Vụ đảo chính Niger: Pháp có nguy cơ sụp đổ chiến lược châu Phi
Cuộc đảo chính mới đây ở Niger là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch khôi phục lại ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi.
Dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, nước Pháp đang tìm cách khôi phục lại ảnh hưởng ở châu Phi, được hứa hẹn bằng những hợp tác “bình đẳng” và trao quyền nhiều hơn cho các chính quyền địa phương.
>>Đảo chính ở Niger có lợi gì cho Nga?
Cú sốc với Pháp
Năm 2017, ông Emmanuel Macron tuyên bố mình ““thuộc một thế hệ không đến để nói với người châu Phi phải làm gì” trong chuyến thăm Burkina Faso. 6 tháng trước, ông Macron cũng nhắc lại quan điểm này, tuyên bố về một “kỷ nguyên mới” cho mối quan hệ của Pháp – Châu Phi.
Thế nhưng, cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger đã khiến hy vọng về một mối quan hệ mới bị lung lay nghiêm trọng.
Sau khi quân đội Pháp rời nước láng giềng Mali vào năm ngoái, Paris đã chọn Niger là nơi duy trì hiện diện tại khu vực. Quốc gia Tây Phi được coi là một điểm tương đối ổn định trong một khu vực đầy biến động. Theo thỏa thuận quốc phòng song phương, Pháp có quyền sử dụng một căn cứ thường trực với 1.500 quân, được trang bị máy bay chiến đấu và máy bay không người lái.
Việc phải rời bỏ Mali đã là đòn giáng mạnh vào uy tín của Paris tại khu vực. Có thời điểm, Pháp duy trì 2.500 binh sĩ tham gia vào Chiến dịch Barkhane chống khủng bố. Thành tựu đạt được tốt tới mức Tổng thống Pháp khi đó, ông François Hollande đã đến tận nơi để ca ngợi ảnh hưởng của Pháp.
Tuy nhiên, với việc chính phủ thân Pháp bị lật đổ vào 2020 và 2021, chính quyền mới ở Mali đã tỏ rõ xu hướng thân Nga khi mời lính đánh thuê Wagner cung cấp dịch vụ an ninh. Tháng 8/2022, tất cả binh sĩ Pháp đã rời khỏi Mali.
Không chỉ Mali, hai cuộc đảo chính ở Burkina Faso năm ngoái cũng giáng thêm một đòn mạnh vào chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Pháp tại khu vực. Các nhà lãnh đạo mới cũng đã ra lệnh cho tất cả quân đội Pháp rời đi.
Chiến lược châu Phi mới mềm mỏng
Nhiều chuyên gia tỏ ra ngạc nhiên trước sự thất bại của Pháp trong tìm lại ảnh hưởng lớn tại châu Phi. Ông Macron đã chọn một cách tiếp cận tinh tế và kín đáo hơn, trong vai trò là một đối tác hơn là một “ông chủ” nhằm xóa bỏ hình ảnh của nước Pháp thực dân trong quá khứ.
Pháp đã làm những gì? Đó là trả lại các tác phẩm nghệ thuật cho Benin và Senegal; xem xét kết thúc vai trò đồng franc CFA; hay thừa nhận vai trò của quân đội Pháp trong cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994. Nhà lãnh đạo Pháp cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư chú ý hơn đến công nghệ và khởi nghiệp ở châu Phi.
Ông Michael Shurkin, một chuyên gia về Sahel tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), lưu ý: “Pháp đã cố gắng áp dụng các bài học từ Mali, để trở nên nhạy cảm hơn với những lo ngại của Niger".
Không dễ thay đổi quá khứ
Thế nhưng, thực tế cho thấy không dễ gì lay chuyển sự ám ảnh sâu sắc của người dân châu Phi đối với quá khứ. Cuộc đảo chính mới nhất ở Niger không hẳn để chính quyền mới chuyển sang chống Pháp, nhưng thái độ thù địch của người dân với Paris là dễ dàng nhận thấy, thông qua các biểu ngữ mà người biểu tình ủng hộ phe đảo chính đưa lên.
Ngày 30/7 vừa qua, những người biểu tình ở Niamey, thủ đô của Niger, đã giăng biểu ngữ “Đả đảo Pháp!” trong khi vẫy cờ Nga. Một đám đông đã tấn công đại sứ quán Pháp, phóng hỏa và đập vỡ cửa sổ.
Lý do thực sự đằng sau sự thất bại này, theo các chuyên gia, là Pháp đã chuyển hướng chiến lược quá muộn. Nhiều năm qua, Trung Quốc, Nga hay Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều nguồn lực vào Tây Phi. Theo đó, Trung Quốc đã thay thế Pháp trở thành nguồn nhập khẩu chính của khu vực. Các nước châu Âu khác huấn luyện lực lượng ở Sahel, trong khi Mỹ điều hành một hoạt động tình báo lớn ở Niger.
Do lịch sử thuộc địa của mình, Pháp thường bị chỉ trích vì những mâu thuẫn trong khu vực. Đây là cường quốc thuộc địa cũ duy nhất duy trì các căn cứ quân sự lớn thường trực trên lục địa. Trong khi đó, các chính quyền được Pháp ủng hộ cũng thất bại trong việc xóa đói giảm nghèo hay kiềm chế bạo lực, khiến Paris dễ dàng bị quy trách nhiệm.
>>Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?
Ví dụ, ở Mali, nhiều người thất vọng vì an ninh đã xấu đi trong vài năm trước cuộc đảo chính đầu tiên, bất chấp sự hiện diện của hàng ngàn lính Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình. Mới đây, khảo sát của tổ chức Friedrich Ebert Stiftung (Đức), cho thấy 80% người dân Mali tin rằng việc lính Pháp rời đi không có tác động tiêu cực nào đến an ninh của họ. Trong khi đó, 69% nói rằng họ tin tưởng Nga có thể cung cấp điều đó.
Với lý do đó, có thể hiểu vì sao Pháp tỏ ra dè dặt trong can dự quân sự vào Niger. Một động thái mạnh tay sẽ chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Paris trong mắt người dân châu Phi. Nhưng không làm gì cũng sẽ là một thất bại khác về khả năng phục hồi ảnh hưởng của Pháp đối với lục địa.
Có thể bạn quan tâm