Ai có thể "định nghĩa" hòa bình Nga - Ukraine?
Nỗ lực kêu gọi đàm phán Nga - Ukraine mới đây của Saudi Arabia lại vấp phải vấn đề mang tính bản lề: Ai có thể định nghĩa hòa bình?
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Sức ép lớn với ông Joe Biden
Tiến trình tái lập hòa bình ở Ukraine vừa đạt được bước tiến quan trọng tại Saudi Arabia vào ngày 6/8 vừa qua sau khi nước này đăng cai tổ chức “Hội nghị toàn cầu về Ukraine” với sự tham gia của đại diện 42 quốc gia.
Lần đầu tiên chiến sự Nga - Ukraine được thảo luận rộng rãi, tập hợp các quốc gia đến từ Nam bán cầu, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - cũng như các quốc gia thuộc EU, cùng với Mỹ và Canada.
Nhưng không một ai có thể đưa ra được định nghĩa hòa bình cho Đông Âu, cũng như một cuộc họp tương tự hồi tháng 6 diễn ra ở Đan Mạch có dấu ấn đậm nét của Riyadh - đã kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của chủ nhà Trung Đông, coi cuộc gặp lần này là một bước trên con đường hướng tới một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu, mà ông hy vọng sẽ được tổ chức vào mùa thu tại Kiev.
Nga không cử đại diện nào đến Saudi Arabia, Thứ trưởng Ngoại giao nước này phản hồi đến Hội nghị: “cuộc đàm phán phản ánh nỗ lực của phương Tây nhằm vận động các nước ủng hộ lập trường của ông Zelensky”.
Saudi Arabia có quan hệ gần gũi với Moscow kể từ tháng 2/2022, hai bên hài lòng nhau về việc điều chỉnh sản lượng dầu, đặc biệt là Riyadh nhiều lần hành động mà không tuân theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ở phương diện toàn cầu, Riyadh có xu hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc, đồng ý với đề nghị của Bắc Kinh dàn xếp ổn thỏa mâu thuẫn với Iran. Như vậy cũng có thể xem, Trung Quốc, Nga, Iran, Saudi Arabia và một số quốc gia Nam bán cầu đang cùng chung lợi ích.
>>Vì sao Trung Quốc quan trọng với hòa đàm Nga - Ukraine?
Quay trở lại với quan điểm về hòa bình, Kiev bảo vệ “kế hoạch 10 điểm” của họ, thậm chí còn lập luận rằng công thức hòa bình này không chỉ có hiệu quả ở Ukraine mà còn ở các nơi khác trên thế giới.
Kiev yêu cầu Moscow tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi nước này. Nhưng Tổng thống Putin khó có thể chấp nhận điều này.
Trong khi đó “kế hoạch 12 điểm” của Trung Quốc được cho là phù hợp với luật pháp quốc tế, giàu giá trị phổ quát nhưng không nhận được sự tán đồng của phương Tây. Phải chăng, vấn đề ở đây là sự nghi kỵ của với yếu tố Trung Quốc!?
Bắc Kinh đã cử đại diện đến Hội nghị này, điều đó cho thấy khả năng thay đổi góc nhìn, dù rất ít - của Bắc Kinh với hòa bình tại Ukraine. Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các thành viên của BRICS cũng có mặt tại quốc gia Trung Đông vào cuối tuần trước.
Ông Celso Amorim, đại diện Brazil nêu quan điểm, “dù Ukraine là nạn nhân lớn nhất, nhưng nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải đưa Moscow vào tiến trình này theo một hình thức nào đó”.
Các quốc gia châu Âu thậm chí đã gặp nhau trước khi đến Saudi Arabia nhằm đảo bảo tính thống nhất quan điểm. Nhưng cuối cùng kết quả vẫn chưa đâu vào đâu khi không có sự tham gia của Nga.
Tín hiệu lạc quan nhất là Hội nghị này đóng vai trò như phiên chuẩn bị cho một diễn đàn lớn hơn trong thời gian tới, tại đó các nhóm vấn đề cụ thể sẽ được thảo luận tìm giải pháp, bao gồm: an ninh lương thực và năng lượng; trả tự do cho các tù nhân và những người bị cưỡng bức trục xuất, bao gồm cả trẻ em; an ninh sinh thái,...
Có thể bạn quan tâm
Toan tính của Saudi Arabia khi thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine
04:00, 05/08/2023
Rào cản Trung Quốc thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine
03:30, 30/05/2023
Trung Quốc gặp thách thức nào thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?
14:34, 15/05/2023
Trung Quốc sẽ thành công thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?
03:25, 28/04/2023