Trung Quốc gặp thách thức nào thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?

CẨM ANH 15/05/2023 14:34

Các nỗ lực của Trung Quốc cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine đã được tăng tốc trong tuần này khi đặc phái viên của Trung Quốc bắt đầu chuyến công du châu Âu.

>>Trung Quốc tăng cường xích lại gần châu Âu

Đặc phái viên của Trung Quốc, ông Lý Huy đang bắt đầu chuyến công du

Đặc phái viên của Trung Quốc, ông Lý Huy đang bắt đầu chuyến công du đến Nga, Ukraine

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, trong tuần này, ông Lý Huy, Đặc phái viên Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Âu - Á, sẽ thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga để trao đổi với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho chiến sự Nga- Ukraine.

Có thể thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng đóng vai trò là nhà môi giới hòa bình để chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Nga khi cuộc chiến đang diễn ra, từ chối lên án hay chỉ trích cuộc xâm lược của quốc gia này nhằm vào Ukraine. Và bất chấp việc Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thậm chí có chuyến thăm tới Moscow vào tháng 3, ông Tập Cận Bình chỉ gọi điện cho người đồng cấp Ukraine lần đầu tiên trong những tuần gần đây.

Khi Bắc Kinh cố gắng tự định vị mình là một nhà môi giới hòa bình có thể chấm dứt một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, có những dấu hỏi về tính trung lập của Trung Quốc, các kỹ năng ngoại giao và cuối cùng là mục đích của quốc gia này với tư cách là một nhà hòa giải.

Các nhà phân tích chính trị lưu ý rằng, cuối cùng, Bắc Kinh không thực sự quan tâm ai là người “thắng” cuộc chiến, hay một thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Họ nói rằng điều quan trọng đối với Trung Quốc là quốc gia này sẽ trở thành đối tác quốc tế chính đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Ông Ryan Hass, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings và là cựu Giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Obama, nói với CNBC: “Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào việc giành được một thỏa thuận hòa bình hơn là việc ai thắng trong chiến sự Nga- Ukraine.

“Bắc Kinh muốn được coi là nhân tố quan trọng đối với quá trình tái thiết của Ukraine và là nhân tố chủ chốt trong quá trình phục hồi rộng lớn hơn của châu Âu sau chiến sự Nga- Ukraine”, ông Ryan Hass đánh giá.

>>Trung Quốc sẽ phải làm gì để giành lại niềm tin của châu Âu?

Trung Quốc đang kỳ vọng vào việc trung gian hòa giải cho căng thẳng Nga - Ukraine

Trung Quốc đang kỳ vọng đóng vai trò trung gian hòa giải cho chiến sự Nga - Ukraine

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng mong muốn phát huy những thành công gần đây trong ngoại giao toàn cầu, đặc biệt là việc trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia, giúp hai đối thủ trong khu vực nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại các Đại sứ quán.

Bà Cheng Chen, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Albany lưu ý thêm: “Khi Trung Quốc ngày càng khẳng định vị thế là một siêu cường, họ có mọi động cơ để thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình với tư cách là một nhà trung gian hòa giải toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc có thể ràng buộc Nga hơn nữa nếu nước này thành công trong việc môi giới một thỏa thuận giúp giữ thể diện cho Nga".

Một lợi ích khác của Trung Quốc khi can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine là điều này có thể giúp Trung Quốc thu hút các nước đang phát triển ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương, nơi phần lớn không đứng về phía nào trong chiến sự Nga- Ukraine, cũng như một số cường quốc châu Âu không muốn chứng kiến một cuộc chiến kéo dài.

Để nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia này, Trung Quốc muốn đánh bóng hình ảnh của mình với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình, trái ngược với cách tiếp cận "đổ thêm dầu vào lửa" của Mỹ.

Mặc dù cách tiếp cận của Trung Quốc với các bên tham chiến là không cân bằng, thì sự gần gũi của nước này với Moscow có thể được tận dụng để mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ông Ian Bremmer, người sáng lập và Chủ tịch của Eurasia Group, cho biết trong các bình luận gửi qua email, chiến sự Nga- Ukraine đã mang lại cho Trung Quốc “một cơ hội lớn trong ngoại giao toàn cầu”, đồng thời ông lưu ý rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình có nhiều đòn bẩy đối với Tổng thông Putin hơn bất kỳ ai khác”.

Do Trung Quốc là một trong số ít các đối tác quốc tế còn lại của Nga và đã cung cấp cho Nga sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu, nên họ có khả năng đưa Nga đến bàn đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Không ai đánh giá thấp những thách thức mà bất kỳ nhà môi giới hòa bình nào có thể gặp phải hiện nay. Mười lăm tháng chiến tranh đã khiến Ukraine trở nên cứng rắn hơn và đối với Tổng thống Vladimir Putin, ông sẽ không thể nhượng bộ các khu vực mà Nga có nhiều quyền kiểm soát hơn như Crimea.

Hơn nữa, Ukraine chỉ có thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của đất nước, và những nỗ lực của Trung Quốc sẽ là vô nghĩa nếu quốc gia này nhìn Ukraine từ quan điểm của Nga.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc sẽ phải làm gì để giành lại niềm tin của châu Âu?

    Trung Quốc sẽ phải làm gì để giành lại niềm tin của châu Âu?

    03:30, 14/05/2023

  • Trung Quốc tăng cường xích lại gần châu Âu

    Trung Quốc tăng cường xích lại gần châu Âu

    03:30, 13/05/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Được - mất của Trung Quốc trong các kịch bản

    Chiến sự Nga - Ukraine: Được - mất của Trung Quốc trong các kịch bản

    04:00, 11/05/2023

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "xoay xở" hoá giải thách thức tăng trưởng kinh tế

    04:00, 10/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc gặp thách thức nào thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO