Thượng đỉnh BRICS bắn tín hiệu gì cho Mỹ và phương Tây?
Sự mở rộng của khối BRICS gửi đi một số "tín hiệu" đáng quan tâm cho Mỹ và Phương Tây.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã kết thúc với nhiều sự chú ý. Không phải là một đồng tiền chung thay thế USD cho giao dịch nội khối như dự báo, mà chính là việc bổ sung thêm các quốc gia có ảnh hưởng khác của thế giới.
>>BRICS mở rộng hay "cuộc chơi" của Trung Quốc và những "người bạn"?
Với các chuyên gia, sự việc đó hàm chứa những ý nghĩa địa chính trị to lớn hơn mục đích kinh tế như ban đầu.
Nỗi lo của Mỹ và phương Tây
Tư cách thành viên của Saudi Arabia, Iran, UAE, Ai Cập, Ethiopia và Argentina trong BRICS, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, gửi đi một tín hiệu không vui cho Hoa Kỳ và các đồng minh.
Sự nhiệt tình dành cho BRICS ở khu vực Tây Á cho thấy các quốc gia này không còn coi quan hệ với Mỹ là trụ cột duy nhất. Ảnh hưởng suy yếu của Washington trong khu vực đã bắt đầu từ sự rút lui khỏi Afghanistan và trở nên rõ ràng hơn với thỏa thuận hòa bình Saudi-Iran do Trung Quốc làm trung gian hồi đầu năm nay.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng “quyền lực Mỹ” có thể đã suy yếu từ hơn một thập kỷ trước. Trong “Mùa xuân Ả Rập”, việc chính quyền Tổng thống Barrack Obama quay lưng với Hosni Mubarak, người từng là một đồng minh thân cận, có thể coi là “sự thức tỉnh” đối với những người bạn và đối tác lâu năm khác của Mỹ, từ Saudi Arabia đến Bahrain.
Bên cạnh đó, chính sách Xoay trục sang châu Á và sự mềm mỏng với Iran để đạt được thỏa thuận hạt nhân của chính quyền Obama đã khiến Riyadh nghĩ rằng mối quan tâm của Mỹ đã chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Talmiz Ahmed, đại sứ Ấn Độ tại Saudi Arabia, Oman và UAE, cho biết: “Arabia Saudi và UAE (gia nhập BRICS) là biểu tượng cho thấy các nước Tây Á không còn ảo tưởng về việc Mỹ là nhà cung cấp an ninh trong khu vực”.
Iran tự do hơn
Tư cách thành viên BRICS đã mang lại cho Iran cơ hội để nói rằng nỗ lực cô lập của Mỹ đã thất bại, theo các nhà quan sát.
Dưới sự hòa giải của Trung Quốc, Iran đã ký thỏa thuận hòa bình với địch thủ lâu năm Saudi Arabia. Thỏa thuận này đã chấm dứt giao tranh ở Yemen, mặc dù cuộc xung đột ở quốc gia này vẫn đang chờ giải quyết.
Quan hệ của Iran với Nga cũng “nồng nàn” hơn. Tehran đã cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái tấn công và giám sát phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Như chính Tổng thống Ebrahim Raisi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, rằng việc Iran gia nhập nhóm sẽ mang lại “lợi ích lịch sử”. Sau gần 2 thập kỷ chịu đựng các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, giờ đây Tehran mới có cơ hội để theo đuổi những chương trình của riêng mình – có thể bắt đầu bằng tiến trình “phi đô la hóa” hoặc giao dịch bằng đồng nội tệ.
BRICS – câu lạc bộ dầu lửa mới?
Sau khi mở rộng, nhóm sẽ có 5 trong số 10 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, góp phần tăng thêm sức mạnh tài chính và kinh tế của nhóm.
Câu chuyện giá và sản lượng dầu chắc chắn sẽ khó lòng theo ý muốn của Mỹ như trước. Kể từ năm ngoái, Saudi Arabia đã phớt lờ những lời kêu gọi của Mỹ về việc ngừng cắt giảm sản lượng để tăng hậu quả trừng phạt đối với Moscow.
Thay vào đó, Riyadh đã hợp tác với Nga trong OPEC+ để thực hiện chính xác điều này nhằm kéo giá dầu lên trong bối cảnh cầu giảm. Vào tháng 7, hai nước này thậm chí đã đạt được một thỏa thuận khác nhằm cắt giảm sản lượng sâu hơn.
BRICS và cái mác “chống Mỹ và phương Tây”
Dù các thành viên của BRICS nhấn mạnh rằng đây không phải là một khối chống phương Tây mà là “quyền tự chủ chiến lược”, hay tính đa cực trên bàn cờ thế giới, thì đây vẫn là điểm thu hút chính của các nước muốn tham gia.
Trung Quốc – nhà lãnh đạo được thừa nhận của BRICS – được cho là thỏi nam châm thu hút các quốc gia khác vào khối bởi Bắc Kinh luôn là “đòn bẩy tốt” trong đàm phán với phương Tây.
Thực tế, hai thành viên là Trung Quốc và Nga cũng đang có mối quan hệ đối địch với Mỹ. Do đó không thể tránh khỏi việc khối BRICS bị coi là một khối chống Mỹ và phương Tây, cũng tương tự như cách Trung Quốc coi nhóm Bộ Tứ là một “vòng tròn nhỏ” do Mỹ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm bao vây mình.
>>“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung
Trong BRICS, chỉ có Ấn Độ dường như là trường hợp kỳ lạ nhất với mối quan hệ thân cận với Mỹ. Thế nhưng, đóng một vai trò trong BRICS gửi đi thông điệp tốt về chủ nghĩa đa phương và không liên kết của Thủ tướng Modi, chưa kể những lợi ích kinh tế khác.
Có thể bạn quan tâm
Ngành du lịch Châu Âu “phát sốt” vì nắng nóng
04:00, 29/08/2023
Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?
04:30, 29/08/2023
Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
04:00, 21/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023