Sau 10 năm, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã để lại khối nợ lớn chưa thể thống kê đầy đủ tại hàng trăm quốc gia trên thế giới. Trung Quốc sẽ tái cấu trúc BRI hay chấm dứt sáng kiến này?
>>Vì sao Trung Quốc tái cấu trúc BRI?
Năm nay kỷ niệm tròn 1 thập kỷ trển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - một sáng kiến khổng lồ của ông Tập Cận Bình. Đây là dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo các nguồn thông tin, trong khuôn khổ BRI, Trung Quốc đã cho vay 1.000 tỷ USD tại 100 quốc gia, trực tiếp tạo ra khối nợ khó thanh toán tại các nước kém phát triển, làm giảm chi tiêu của phương Tây và gây lo ngại về sự lan rộng quyền lực và ảnh hưởng của cường quốc châu Á.
Nhiều nhà phân tích đã mô tả hoạt động cho vay của Trung Quốc thông qua BRI là “ngoại giao bẫy nợ” được thiết kế để mang lại cho nước này lợi thế trước các quốc gia khác và thậm chí chiếm đoạt cơ sở hạ tầng và tài nguyên của đối tác.
Trường hợp Sri Lanka nhượng quyền sử dụng cảng Hambantota thời hạn 99 năm cho Trung Quốc là ví dụ điển hình. Hay như dự án thủy điện Coca Codo Sinclair trị giá 2,7 tỷ USD của Ecuador kém chất lượng.
Điều này làm dấy lên lo ngại về mục đích thực sự của Bắc Kinh là tiếp cận các vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Thực trạng trên còn đúng với nhiều quốc gia khác, như Argentina, Kenya, Malaysia, Montenegro, Pakistan, Tanzania, Zambia, Ethiopia…
Điều nghịch lý là các nước mắc nợ Trung Quốc đã tìm đến Quỹ tiền tệ quốc tế để được giúp đỡ. Điều này cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ vốn đã đau đớn ở các thị trường mới nổi, có thể dẫn đến một “thập kỷ mất mát” giống như nhiều nước Mỹ Latin đã trải qua trong những năm 1980.
>>Cái chết của “Vành đai và Con đường”
Để cứu con nợ và giữ hình ảnh uy tín của BRI, Trung Quốc tung ra nhiều gói vay khẩn cấp. Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ WB, Havard trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến cuối 2021, tổng giá trị các khoản vay hỗ trợ mà Trung Quốc cấp cho các quốc gia đang phát triển là 240 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Qũy tiền tệ quốc tế do Mỹ hậu thuẫn đã giải ngân hàng trăm tỷ USD giúp các nước mắc nợ Trung Quốc lách qua bờ vực vỡ nợ - đây không khác gì một thất bại nhãn tiền của BRI.
Kinh tế Trung Quốc đang khó khăn, kèm với những thay đổi về chính sách vĩ mô, nguồn vốn cho BRI sẽ bị cắt giảm; cộng hưởng với đà suy thoái, khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại các quốc gia đang phát triển, đặt ra dấu hỏi lớn với BRI - Tái cấu trúc hay dừng lại?
Dĩ nhiên, BRI quá đồ sộ để có thể dừng lại sau một đêm thức dậy! Trung Quốc đang nỗ lực tái cấu trúc, đàm phán song phương giãn, hoãn và xóa một số khoản nợ; đồng thời “vẽ” ra thêm nhiều lĩnh vực hợp tác có khả năng mang lại lợi nhuận.
Loạt chiến lược của Trung Quốc gần đây được triển khai tuần tự, bài bản tại Trung Đông nhằm phá vỡ thế độc tôn USD trong giao dịch dầu mỏ. Thúc đẩy tiến trình hoàn thiện cơ cấu nhóm BRICS, với việc kết nạp thêm 6 quốc gia và hàng chục nước nộp đơn gia nhập, khối này về bản chất không còn là “Tổ chức các nền kinh tế lớn mới nổi”.
Trong tương lai, BRICS sẽ là nơi tập hợp nhiều nền kinh tế đang phát triển - vốn chiếm đa số trên toàn cầu, rất nhiều trong số đó là con nợ lâu năm của Trung Quốc. Nếu có đồng tiền chung, các con nợ khó khước từ sử dụng!
Có thể bạn quan tâm
Tham vọng lớn còn dở dang của BRICS
04:30, 28/08/2023
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ I): Rủi ro vay nợ Trung Quốc
12:00, 08/08/2022
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ
01:00, 13/08/2022
Đối trọng mới của "Vành đai và Con đường"
05:30, 14/06/2021
G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
11:00, 06/06/2021