Washington cùng lúc đàm phán và thúc đẩy hai sáng kiến cơ sở hạ tầng là Blue Dot Network và Build Back Better World (B3W) nhằm đối trọng lại sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Suga Yoshihide và Thủ tướng Úc Scott Morrison đang hợp tác để thúc đẩy hoạt động một sáng kiến cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp cho các thị trường mới nổi một giải pháp nhằm thay thế cho sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Sau một thời gian dài “ngủ đông”, sáng kiến Blue Dot Network – xuất hiện lần đầu tiên dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump - đã bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan tại Paris, ra mắt nhóm tham vấn điều hành trực thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cùng với sự tài trợ tài chính từ Washington và Canberra.
Sáng kiến Blue Dot Network hướng tới các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và bền vững, có nghĩa là khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi. Cách tiếp cận cũng như các tiêu chí hoạt động này được giới thiệu là đối nghịch với sáng kiến BRI của Bắc Kinh.
"Mạng lưới Blue Dot sẽ là một biểu tượng được công nhận trên toàn cầu về các dự án cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững", Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong thông cáo báo chí được phát đi sau cuộc họp khai mạc của nhóm tham vấn.
Hơn 150 giám đốc điều hành toàn cầu, bao gồm 96 quốc gia, chịu trách nhiệm cho khoảng 12 nghìn tỷ USD đã tham gia cuộc họp của nhóm tham vấn. Các thành viên tại sự kiện bao gồm những người đang nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các tổ chức tài chính bao gồm Citi và JPMorgan, cũng như trong khu vực công, chẳng hạn như Quỹ Hưu trí của Chính phủ Thái Lan.
Nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman tại RAND Corporation, cho biết Australia, Nhật Bản và Mỹ "không thể so sánh với BRI của Trung Quốc". Và điều này giải thích tại sao sáng kiến Blue Dot Network tập trung vào chứng nhận và tư vấn thay vì tài trợ trực tiếp như BRI. Vì vậy, ông Grossman lo ngại rằng mạng lưới này "không đủ khả năng cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc và thẳng thắn mà nói có thể không chỉ không ấn tượng mà thậm chí còn nhỏ nhặt trong mắt những quốc gia nhận BRI”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho rằng Mỹ có những thế mạnh riêng biệt, bao gồm hàng nghìn tỷ USD quỹ hưu trí và bảo hiểm nhằm tìm kiếm lợi nhuận dài hạn mà đầu tư cơ sở hạ tầng có thể mang lại. Theo các chuyên gia này, “sứ mệnh” của Blue Dot Net "có thể cung cấp chứng nhận tiêu chuẩn cao để mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và tiến một bước gần hơn đến việc cơ sở hạ tầng trở thành một loại tài sản”.
Ở một diễn biến mới nhất khác, vào ngày 13/6, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 do Vương quốc Anh đăng cai và diễn ra tại Cornwall từ ngày 11 – 13/6/2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhóm họp cùng các thành viên của nhóm G7 và đi đến một thống nhất chung về sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển thông qua sáng kiến BRI.
Cụ thể, do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như Châu Phi đã khiến nhóm G7 và Mỹ quyết định khởi động lại quan hệ đối tác Build Back Better World (B3W), chương trình mà Nhà Trắng giới thiệu là “như một giải pháp thay thế cho sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, sẽ giúp thu hẹp nhu cầu cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 nghìn tỷ USD ở các nước đang phát triển, vốn đã trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19”.
Một quan chức chính quyền Tổng thống Biden mô tả kế hoạch, được gọi là sáng kiến B3W là một "sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới, táo bạo của Mỹ với các đối tác G7, hướng tới các giá trị, minh bạch và bền vững và sẽ cạnh tranh với sáng kiến BRIcủa Trung Quốc".
Một phần của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ bao gồm sáng kiến “tái xây dựng thế giớitốt hơn”, được một quan chức Mỹ mô tả là “sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu mới với các đối tác G7 của chúng ta, mang tính bền vững, minh bạch và hướng tới các giá trị”. Sáng kiến sẽ bao gồm việc gây quỹ hàng trăm tỉ USD cho việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở những quốc gia có nhu cầu trước năm 2035.
Các quốc gia G7 mong muốn thế giới hãy xem sáng kiến của họ như một giải pháp thay thế minh bạch và bền vững hơn cho các quốc gia đang phát triển, nhằm phản ánh các giá trị và tiêu chuẩn của họ với tư cách là nền dân chủ.
Trong một cuộc họp báo trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo, một quan chức chính quyền cấp cao của Hoa Kỳ cho biết: “Hoa Kỳ và nhiều đối tác trên thế giới từ lâu đã hoài nghi về sáng kiến BRI của Trung Quốc, với lý do thiếu minh bạch, môi trường kém và các tiêu chuẩn lao động, cũng như cách tiếp cận khiến nhiều quốc gia trở nên tồi tệ hơn. Cho đến nay, chúng tôi chưa đưa ra một giải pháp thay thế tích cực nào phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh. Sáng kiến mới này sẽ không chỉ là một giải pháp thay thế cho BRI, mà chúng tôi tin rằng sẽ đánh bại BRI bằng cách đưa ra sự lựa chọn chất lượng cao hơn”.
Sáng kiến B3W nhằm mục đích hình thành "đầu tư xúc tác" từ các tổ chức tài chính phát triển của G7, sau đó sẽ huy động tài trợ của khu vực tư nhân. Khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng giới và bình đẳng sẽ là các lĩnh vực trọng tâm của sáng kiến.
Vương quốc Anh nhấn mạnh mục tiêu môi trường của B3W nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang bền vững bằng cách cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng "nhiều hơn, tốt hơn và nhanh hơn" cho tăng trưởng kinh tế xanh ở các nước đang phát triển. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết “Có mối quan hệ trực tiếp giữa việc giảm lượng khí thải, khôi phục thiên nhiên, tạo việc làm và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”.
Gần đây, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden luôn nỗ lực tìm kiếm các sáng kiến để cạnh tranh với BRI. Mặc dù vậy, Washington vẫn chưa thể thuyết phục các quốc gia khác rằng Hoa Kỳ có thể đưa ra một giải pháp thay thế hoàn toàn BRI.
Cho đến nay, hơn 100 quốc gia đã ký kết thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác thực hiện các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc cùng những cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Tính đến hết năm 2020, có hơn 2.600 dự án với tổng chi phí 3,7 nghìn tỉ USD liên quan đến BRI, theo số liệu của công ty dữ liệu tài chính và hạ tầng Refinitiv (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cho biết khoảng 20% dự án BRI "chịu ảnh hưởng nghiêm trọng" vì đại dịch COVID-19. Một số quốc gia đã lên tiếng chỉ trích các dự án BRI là tốn kém, không cần thiết và tìm cách xem xét, hủy bỏ hoặc giảm bớt quy mô so với cam kết ban đầu.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông
07:00, 13/06/2021
Didi Chuxing nối tiếp xu hướng IPO tại Mỹ của các công ty công nghệ Trung Quốc
04:50, 13/06/2021
Trung Quốc kéo giàn khai thác khổng lồ ra Biển Đông: Các nước trong khu vực cần làm gì?
05:00, 10/06/2021