Trong tương lai, nhiều khả năng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể khởi động một dự án thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các nhà lãnh đạo các nước G7 bao gồm Đức, Pháp, Anh, Canada, Mỹ, Italy và Nhật Bản dự kiến sẽ trao đổi về chiến lược được gọi là “Sáng kiến Xanh Sạch” để tạo ra một khuôn khổ để hỗ trợ phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch này sẽ tập trung tại khu vực nào. Hiện nay, Đức, Pháp và Italy chủ trương ủng hộ các hoạt động tại châu Phi, trong khi đó, Mỹ hướng tưới Mỹ Latinh và châu Á. Nhật Bản trong khi đó muốn tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Được biết, cuối tháng 3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị thành lập một dự án mới đối thủ với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Việc hình thành một giải pháp thay thế cho BRI có thể được chú trọng hơn khi Tổng thống Biden chính thức thúc đẩy kế hoạch thiết lập một liên minh các nền dân chủ để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án này dường như vẫn còn khá mơ hồ và dường như không được xây dựng đủ chi tiết để cạnh tranh với BRI.
Các chuyên gia nhận định, rất khó để ước tính Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ đầu tư bao nhiêu vào dự án này. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã công bố đề xuất trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của chính mình và có thể sẽ không đầu tư thêm vào các dự án nào ở bên ngoài. Hơn nữa, nhiều quốc gia trong khối G7 bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, và có thể không có đủ năng lực tài chính để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Ngược lại, Trung Quốc hầu như đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng và sẽ có thể giúp đỡ các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, theo Jonathan Hillman, Giám đốc Dự án Tái kết nối Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích, mặc dù những sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu có thể giúp một số quốc gia tiếp cận với cơ sở hạ tầng hiện đại hóa, nhưng có thể có một vấn đề nhất quán. Các cơ chế và ưu tiên có thay đổi với các đời Tổng thống Mỹ khác nhau?
“Trước mắt, trong trường hợp của Mỹ, chính quyền của ông Biden vẫn còn một số việc phải làm trong việc thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD. Thứ hai, các quốc gia phương Tây sẽ phải thuyết phục các nước có thu nhập thấp và trung bình rằng kế hoạch của họ phục vụ mục đích hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, không chỉ là một công cụ để chống lại Trung Quốc”, chuyên gia này đánh giá.
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng các cường quốc phương Tây sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vào sáng kiến nay. Trên thực tế, Mỹ đã xây dựng được mối liên kết bền vững hơn nhiều với các đối tác châu Âu khi đề cập đến các vấn đề môi trường, và điều đó tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn. Có một sức mạnh và sự tự tin đằng sau những cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác mà trước đây không có.
Mặt khác, khi thế giới đang phát triển phải vật lộn với áp lực kinh tế do đại dịch mang lại và thương hiệu BRI đang ngày một gây nhiều tranh cãi, Mỹ có thể thông qua “Sáng kiến Xanh, sạch” để lấy lại vai trò và uy tín toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới cho biết Covid-19 sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II và nhu cầu cơ sở hạ tầng của thế giới, ước tính khoảng 94 nghìn tỷ USD trong hai thập kỷ tới vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi BRI cũng đã bị cắt giảm trong những năm gần đây với các câu hỏi liên quan đến giá trị thương mại của nhiều dự án cũng như nỗi lo ngại về việc sáng kiến này trở thành phương tiện kiểm soát của Trung Quốc.
Do đó, để các dự án Xanh, Sạch trở nên khả thi, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia phương Tây không nên tập trung vào việc đối trọng với Bắc Kinh về tài chính, thay vào đó nên tìm cách giúp các nước nâng cao các tiêu chuẩn cho các dự án cơ sở hạ tầng và tích hợp tính minh bạch vào các cuộc đàm phán hợp đồng.
Thay vì tạo ra một phản ứng trực tiếp với BRI, cách tiếp cận của Washington nên phát huy thế mạnh của Hoa Kỳ và các đồng minh hơn là cố gắng đánh bại Trung Quốc. Bất kỳ dự án nào trong tương lai đều nên tìm cách tạo quan hệ đối tác dựa trên các tiêu chuẩn và chuẩn mực được chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm