Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 08/09/2023 04:30

Hội nghị Thượng đỉnh G20 lại đối diện với thách thức chia rẽ, bất đồng quan điểm khi hai nguyên thủ các quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay không tham dự.

Thượng đỉnh G20 sắp khai mạc tại Ấn Độ

Thượng đỉnh G20 sắp khai mạc tại Ấn Độ

>>Bất đồng Mỹ- Trung "phủ bóng" lên Thượng đỉnh G20

Lần thứ hai liên tiếp Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra tại châu Á. Chủ nhà Ấn Độ gửi gắm rất nhiều kỳ vọng cho cuộc gặp gỡ giữa các nguyên thủ hàng đầu. Nhưng bối cảnh hiện tại rất khó để G20 đạt được điều gì đó mới mẻ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin không đến New Delhi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều đó, trước hết cho thấy phần nào nội dung thảo luận tại G20 không còn là ưu tiên hàng đầu với hai nền kinh tế này. 

Việc hai nhà lãnh đạo các cường quốc mới nổi không tham dự G20 - không có nghĩa là nhóm phương Tây có thể áp đặt tuyệt đối ảnh hưởng của họ với chương trình nghị sự trọng đại toàn cầu như an ninh thương lực, biến đổi khí hậu, chống suy thoái kinh tế, chiến sự Nga - Ukraine.

Ngược lại, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh và Moscow với các vấn đề “nóng” toàn cầu nêu trên có tính quyết định. Đơn cử, an ninh lương thực với châu Âu, châu Phi rơi vào bế tắc nếu con đường vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen không được sự hợp tác của Điện Kremlin. Và phương Tây cũng không thể nào đơn phương thu xếp chiến sự Nga - Ukraine bằng biện pháp ngoại giao nếu thiếu hợp tác từ Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga.

Là Chủ tịch luân phiên G20 năm nay, New Delhi chọn hai chủ đề nghị sự trọng tâm: biến đổi khí hậu và gánh nặng nợ toàn cầu. Cả hai vấn đề này đều liên quan mật thiết đến Trung Quốc. Cường quốc châu Á hiện là chủ nợ lớn nhất trên thế giới, riêng sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã là 1.000 tỷ USD.

Với biến đổi khí hậu, kinh tế Trung Quốc tạo ra lượng phát thải nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, chiếm 27% toàn cầu, nhiều hơn 2 lần so với “á quân” Mỹ, 11%. Do vậy, không lấy gì bảo đảm mục tiêu giảm phát thải về 0 sau gần 3 thập kỷ tới.

>>Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

Không có Nga, Trung Quốc, Thượng đỉnh G20 và chủ nhà Ấn Độ dễ rơi vào tình thế khó xử. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 hồi tháng 7 không ra được tuyên bố chung vì chiến sự Nga - Ukraine. Trước khi lên đường sang Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói nước này sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị sắp tới nếu nó không bao gồm quan điểm của Moscow về chiến sự Nga - Ukraine.

Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ không có sự tham gia của ông Tập Cận Bình và ông Putin

Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ không có sự tham gia của ông Tập Cận Bình và ông Putin

Dễ thấy, phiên Thượng đỉnh ngày 9-10/9 tới hoàn toàn xảy ra kịch bản không thể có “Tuyên bố chung”. Bởi vì tuyên bố chung không có nhiều giá trị với Bắc Kinh và Moscow khi không có sự nghị bàn của cấp lãnh đạo cao nhất. Nếu phần còn lại vẫn quyết ra tuyên bố chung thì sự bất đồng, chia rẽ càng thêm sâu sắc hơn.

Về phía Nga, ông Putin - một phần không thể nào ngồi chung mâm với các chính trị gia đang công khai chống lại mình. Mặt khác, ông Putin có thể đang chịu áp lực bởi phán quyết của Tòa hình sự quốc tế. Bằng chứng là ở Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS tại Nam Phi, Tổng thống Nga cũng chỉ xuất hiện qua màn hình trực tuyến.

Trung Quốc và nhiều nước trong G20 ngày càng đào sâu ngăn cách, khác biệt nhau về cấu trúc lợi ích, chia sẻ tầm nhìn tương lai. Do vậy, ông Tập Cận Bình giành sự ưu tiên hơn cho khối BRICS trong chính sách đối ngoại.

Có thể bạn quan tâm

  • "Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20

    04:00, 07/09/2023

  • Bất đồng Mỹ- Trung

    Bất đồng Mỹ- Trung "phủ bóng" lên Thượng đỉnh G20

    04:30, 15/11/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

    Chiến sự Nga- Ukraine ngăn cản G20 tìm tiếng nói chung

    13:39, 25/07/2022

  • Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26

    Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26

    04:47, 02/11/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ