Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước

TRƯỜNG ĐẶNG 16/09/2023 04:00

Ngoại giao và kinh tế đạt được những thành tựu nổi bật, nhưng những nguy cơ bất ổn trong nước vẫn đe dọa vị thế lớn mạnh của Ấn Độ.

Ông Modi liệu có gặp rào cản trong nước khi thúc đẩy những cải cách sâu rộng hơn?

Thủ tướng Ấn Độ Modi đang gặp một số thách thức khi thúc đẩy những cải cách sâu rộng hơn

Ấn Độ có thể nói đang ở trong một giai đoạn phát triển tốt đẹp. Quốc gia này vừa lần đầu hạ cánh xuống mặt trăng, đánh dấu vị thế của một cường quốc không gian mới. Trong quý 2/2023, GDP tăng trưởng 7,8%, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhất trên thế giới.

>>Điều gì sẽ giúp châu Á "mở khóa" hàng nghìn tỷ USD?

Đáng nói, Thủ tướng Narendra Modi vừa chủ trì thành công hội nghị thượng đỉnh G20 bất chấp sự thiếu vắng của hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Tại đó, cường quốc Nam Á cho thấy tiếng nói lớn lao khi thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây khác đồng ý về một tuyên bố chung mà không chỉ trích Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại bày tỏ lo ngại về những bất ổn tiềm tàng liên quan đến một vấn đề nội bộ của Ấn Độ.

Nhu cầu cải cách chế độ bầu cử 

Hiến pháp Ấn Độ trao quyền tự trị cho các bang trong nhiều lĩnh vực, phản ánh quy mô và sự đa dạng của quốc gia này. Thế nhưng về mặt phát triển kinh tế, điều này lại bộc lộ những rào cản. Nền kinh tế Ấn Độ từ lâu đã bị chia cắt với vô số thị trường và thuế địa phương tạo ra thủ tục hành chính phức tạp cản trở rất nhiều dự án đầu tư từ bên ngoài.

Kể từ khi nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Modi đã nhận ra điểm yếu này và ra sức tìm cách khắc phục nó. Ông đã đơn giản hóa bằng cách thay thế nhiều loại thuế địa phương bằng thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia (GST). Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, ông đã tạo ra một thị trường chung gắn kết hơn và làm tiền đề cho thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, ông Modi cũng đã thúc đẩy các chương trình phúc lợi và thanh toán kỹ thuật số quốc gia, cũng như củng cố chính quyền trung ương.

Không dừng ở đó, đã có những tín hiệu cho thấy ông Modi đang thúc đẩy những cải cách sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực khác. Nhu cầu cải cách đó, theo các nhà quan sát, đang tập trung vào lĩnh vực bầu cử. Theo đó, ông Modi dường như đang muốn đồng bộ hóa các cuộc bầu cử cấp bang với các cuộc thăm dò quốc gia. Nếu như vậy, nó có khả năng sẽ dẫn tới một sự kiện tổng tuyển cử để bỏ phiếu duy nhất 5 năm một lần.

Trong tháng này, lãnh đạo Ấn Độ sẽ triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường, được các nhà phân tích cho là sẽ được sử dụng để thúc đẩy ý tưởng này. Trước đó, vào đầu tháng 9, ông đã thành lập một ủy ban để kiểm tra tính khả thi của các cuộc bầu cử thống nhất.

Với các cuộc thăm dò được đồng bộ hóa, đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi có thể kỳ vọng khai thác uy tín cá nhân của đương kim Thủ tướng trong các cuộc bầu cử khu vực, tạo điều kiện cho BJP mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Chưa kể, lịch bầu cử đơn giản hơn cũng có lợi cho nền kinh tế. Các chiến dịch vận động dai dẳng cho bầu cử cấp bang được cho đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của đất nước.

>>"Dấu ấn" thành công của Ấn Độ tại thượng đỉnh G20

Nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn chính trị

Thế nhưng, động thái này của ông Modi được cho tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bất chấp uy tín cá nhân mạnh mẽ sau những chính sách hiệu quả mà ông mang tới cho Ấn Độ, đảng BJP theo đạo Hindu của ông lại không kiểm soát bất kỳ bang nào ở miền Nam thịnh vượng và năng động hơn. Thậm chí vào tháng 5/2023, đảng này còn mất quyền kiểm soát Karnataka - trung tâm công nghệ của Ấn Độ.

Sự đa dạng tôn giáo và ngôn ngữ tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn chính trị trong lòng Ấn Độ

Sự đa dạng tôn giáo và ngôn ngữ tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn chính trị trong lòng Ấn Độ

Rủi ro sẽ xuất hiện khi ông Modi và đảng của mình buộc phải phá vỡ các quy tắc thông qua sửa đổi Hiến pháp – việc đòi hỏi phải có đa số trong Quốc hội và sự chấp thuận của hầu hết các bang. Nếu thất bại, căng thẳng có thể nổ ra giữa miền Bắc và miền Nam.

Nội bộ Ấn Độ vốn đã phức tạp với sự đa dạng của nhiều ngôn ngữ và ít nhất 6 tôn giáo lớn. Do đó, những tranh cãi về quyền lực có thể thổi bùng những rạn nứt đang âm ỉ bên trong quốc gia.

Những năm qua, miền Nam Ấn Độ đang phát triển nhanh hơn về mặt kinh tế, dẫn đến những tranh cãi việc trợ cấp cho các bang miền Bắc lạc hậu hơn. Về mặt chính trị, những cải cách cũng có thể khiến các bang miền Nam, với tỷ lệ sinh thấp hơn, sẽ bị mất ghế trong Quốc hội.

Nếu xử lý không tốt, những căng thẳng như vậy có thể làm gián đoạn thị trường chung và gây ra tình trạng bất ổn cho nền kinh tế số 5 thế giới. Thủ tướng Modi đã làm tốt để hệ thống liên bang của Ấn Độ khai thác thế mạnh từ sự linh hoạt và hợp tác. Và bây giờ, đảng BJP đang mong chờ vào vị thế cá nhân của ông Modi nhằm đạt được các đàm phán nhất trí từ các bang để có thể thúc đẩy một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt.

Có thể bạn quan tâm

  • "Dấu ấn" thành công của Ấn Độ tại thượng đỉnh G20

    04:00, 11/09/2023

  • Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?

    Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?

    03:30, 10/09/2023

  • "Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20

    04:00, 07/09/2023

  • Đổ bộ lên Mặt Trăng, Ấn Độ sẽ toan tính gì tiếp theo?

    Đổ bộ lên Mặt Trăng, Ấn Độ sẽ toan tính gì tiếp theo?

    03:30, 25/08/2023

TRƯỜNG ĐẶNG