Đâu là mối lo ngại lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố triển vọng mới nhất về nền kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh lo ngại về Trung Quốc và EU.
>>“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?
Theo đó, OECD đã nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay, nhưng hạ dự báo năm sau, trong bối cảnh các biện pháp tăng lãi suất tại nhiều quốc gia gây ra những thiệt hại với nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, tổ chức này chỉ ra những xu hướng đáng lo ngại với nền kinh tế toàn cầu.
Đầu tiên là sự phục hồi yếu hơn nhiều so với dự kiến ở Trung Quốc. Các chuyên gia của OECD cho biết, một đợt suy thoái mạnh hơn sẽ có tác động lan tỏa đáng kể tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt nếu nó đi kèm với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn xuất phát từ việc xác định lại những rủi ro đột xuất.
Xu hướng lo ngại lớn thứ hai là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lãi suất tăng mạnh kể từ giữa năm ngoái đang gây thiệt hại cho tăng trưởng và thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp những cơn gió ngược này, OECD kêu gọi các ngân hàng trung ương hàng đầu duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng rằng: “áp lực lạm phát cơ bản đã được giảm xuống”.
Ông Nicholas Spiro, chuyên gia kinh tế tại Lauressa Advisory nhận định, việc OECD lo lắng về sự suy giảm kinh tế Trung Quốc cho thấy mức độ khó khăn và mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản của nước này gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, tiêu đề của báo cáo – “Đối mặt với lạm phát và tăng trưởng thấp” – cho thấy rõ rằng lạm phát đình trệ đang là mối đe dọa lớn nhất.
Mặt khác, châu Âu không chỉ gặp vấn đề về tăng trưởng mà còn gặp vấn đề về lạm phát. Sự sụt giảm sản lượng sản xuất ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khiến cho sự sụt giảm ở Trung Quốc có vẻ nhẹ hơn khi so sánh giữa các nền kinh tế.
Kinh tế Đức tăng trưởng âm 0,4% trong quý 4/2022 và tăng trưởng âm 0,1% trong quý 1/2023 – theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Đức Destatis. Chỉ số quản lý mua hàng PMI của Đức chỉ ở mức 39,1 điểm vào tháng trước, cho thấy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Đức đang suy giảm mạnh.
Đáng quan ngại hơn, lạm phát cơ bản trong khối EU vẫn duy trì ở mức trên 5%, cao hơn ở Mỹ và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
>>Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu
Trong khi Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ, thì ECB không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất vào đầu tháng này. Đây là lần thứ 10 liên tiếp ECB tăng lãi suất mặc dù khu vực đồng euro tiếp tục gặp khó khăn trong việc tăng trưởng trong năm nay.
Tờ The Economist mới đây cảnh báo Đức có nguy cơ trở thành “kẻ ốm yếu của châu Âu”. Mặc dù điều này còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng Đức đã bị ảnh hưởng bởi cú sốc giá năng lượng, một quá trình chuyển đổi thất bại sang hướng phát thải carbon bằng 0.
Theo nhà kinh tế trưởng Jorg Kramer của ngân hàng Đức Commerzbank, các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức đang bị đe dọa bởi ngành công nghiệp xe điện đang phát triển nhanh chóng và ngày càng cạnh tranh của Trung Quốc. Một báo cáo do UBS công bố ngày 31/8 dự đoán thị phần ô tô châu Âu của Trung Quốc có thể đạt 20% vào năm 2030, với tất cả các loại xe bán ra đều là xe điện.
"Mặc dù khu vực đồng euro cho đến nay đã thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính nhưng lại đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế. Châu Âu, chứ không phải Trung Quốc, mới là nguyên nhân gây lo ngại lớn nhất hiện nay", chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm