Mỹ "rối bời" trước tranh cãi nảy lửa Ấn Độ - Canada
Tranh cãi ngoại giao giữa Canada và Ấn Độ xung quanh cái chết của nhà hoạt động Hardeep Singh Nijjar đang đặt Mỹ và phương Tây vào một tình thế khó xử.
Mới đây, Canada đã cáo buộc có sự liên quan của Ấn Độ tới cái chết của nhà hoạt động Hardeep Singh Nijjar khiến quan hệ ngoại giao giữa Canada và Ấn Độ nhanh chóng trở nên căng thẳng. Với Mỹ và phương Tây, các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa hai đối tác quan trọng đang khiến họ rơi vào tình trạng khó xử trong lúc đang cần cả hai trong chiến lược toàn cầu của mình.
>>Động lực lớn nào đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ?
Ông Derek J. Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, cho rằng sẽ rất thú vị để xem Chính quyền Biden xử lý tình huống này như thế nào. “Việc giữ quan điểm nào đó – ủng hộ Ấn Độ hoặc Canada – đều sẽ khiến phía bên kia tức giận. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ Chính quyền Biden muốn giữ Ấn Độ ở bên mình bằng mọi giá để giúp Mỹ chống lại Trung Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là mục tiêu hàng đầu”, ông Grossman cho biết.
Ấn Độ đang được Mỹ và các nước châu Âu săn đón như một đối tác quan trọng trong chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự coi trọng New Delhi thể hiện rõ ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây, khi Thủ tướng Ấn Độ Modi đã thuyết phục được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức phương Tây khác thống nhất về một tuyên bố chung mà không chỉ trích đích danh Nga liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine.
Bà Stephanie Carvin, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Carleton ở Ottawa, cho biết: “Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong các tính toán của phương Tây nhằm cân bằng Trung Quốc, còn Canada thì không. Điều này thực sự khiến Canada rơi vào thế việt vị so với tất cả các nước phương Tây khác”.
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Ấn Độ, Canada được cho là đã thảo luận hậu trường với các đồng minh chủ chốt trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, bao gồm cả Mỹ, Anh, Australia và New Zealand, nhằm cùng lên tiếng chỉ trích Ấn Độ về vấn đề này. Vậy nhưng, nỗ lực của Canada đã không mang lại kết quả.
Nước Anh từ chối công khai chỉ trích Ấn Độ và cho biết các cuộc đàm phán thương mại song phương sẽ tiếp tục theo kế hoạch. Mỹ cũng đưa ra phản ứng tương tự, với việc Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington "quan ngại sâu sắc" và khuyến khích các quan chức Ấn Độ hợp tác trong bất kỳ cuộc điều tra nào.
Phản ứng im lặng của Mỹ trước những cáo buộc của Thủ tướng Canada Trudeau rõ ràng cho thấy thái độ ngầm ủng hộ Ấn Độ khi so sánh với vụ việc điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Anh vào năm 2018. Khi đó, cả Anh, Mỹ, Canada và các nước khác đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga về nước dù Nga luôn phủ nhận thực hiện.
Ông Wesley Wark thuộc Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế ở Waterloo (Canada) cho biết: “Có thể hiểu được rằng các đối tác Five Eyes của chúng tôi miễn cưỡng thực sự dấn thân vào vấn đề này, vì mọi người đều quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc”.
>> Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc
Với việc các đồng minh không sẵn lòng lên án Ấn Độ, các lựa chọn của Canada hiện dường như rất hạn chế cho đến khi nước này cung cấp bằng chứng không thể chối cãi.
Chính ông Richard Fadden, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada, cho biết: “Nếu chúng tôi không thuyết phục được các đồng minh của mình ủng hộ việc này, dù công khai hay riêng tư, Canada sẽ không thể làm được gì nhiều để thuyết phục Ấn Độ”.
Dù vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy thực sự chính phủ Ấn Độ có liên quan, thì Mỹ và các đồng minh sẽ buộc phải chỉ trích New Delhi. Và khi đó, trò chơi im lặng nhằm kéo dài thời gian của Mỹ sẽ không còn tác dụng.
Ông Fadden nói: “Điều đó giống như một trò chơi chờ đợi. Nếu người Canada đưa ra được bằng chứng rất chắc chắn về sự tham gia nghiêm trọng của nhà nước Ấn Độ vào một vụ ám sát, tôi nghĩ chúng ta sẽ nghe nhiều hơn từ các đồng minh ủng hộ”.
Trong khi thái độ của Mỹ với Ấn Độ là rõ ràng khi New Delhi ngày càng thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong nhóm các quốc gia đang phát triển, thì vị thế toàn cầu của Canada như một cường quốc tầm trung gần đây liên tục bị lung lay bởi các tranh cãi ngoại giao.
Năm 2019, Canada căng thẳng với Trung Quốc khi ông Trudeau cáo buộc Bắc Kinh thực hiện “chiến thuật gây áp lực” để đòi trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập và là giám đốc cấp cao của Huawei bị giam giữ ở Canada liên quan tới lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Vào năm 2018, Canada lại xảy ra một cuộc tranh cãi khác với Saudi Arabia khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada bày tỏ sự ủng hộ đối với một số nhà hoạt động nhân quyền bị các quan chức Saudi Arabia giam giữ.
Về phía Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng nước này không có lý do gì để lùi bước trong cuộc tranh cãi này, thậm chí có tiến xa hơn trong phản ứng của mình nhằm chứng tỏ vị thế. Và do đó, quan hệ Ấn Độ - Canada dường như sẽ không thể dễ dàng trở lại về trạng thái bình thường cũ.
Có thể bạn quan tâm