Xung đột Israel - Hamas thử thách nỗ lực hòa giải của Trung Quốc

CẨM ANH 11/10/2023 03:30

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông đang bị thử thách bởi cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas.

>>Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

Xung đột Israel - Hamas đang có tác động lớn đến nỗ lực của Trung Quốc ở Trung Đông

Xung đột Israel - Hamas đang có tác động lớn đến nỗ lực của Trung Quốc ở Trung Đông

Một ngày sau khi Israel tuyên bố “tình trạng chiến tranh” sau cuộc tấn công của phiến quân Hamas, Trung Quốc đã cùng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế trong bối cảnh các cuộc tấn công bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người.

Không giống như Mỹ, Ấn Độ và hầu hết các nước ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh, Trung Quốc không lên án lực lượng Hamas hay tuyên bố ủng hộ Israel.

Trong phiên họp khẩn cấp vừa qua của Liên Hợp Quốc, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân tuyên bố, Bắc Kinh lên án mọi hành vi bạo lực và tấn công nhằm vào dân thường, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh leo thang tình hình.

Phản ứng của Trung Quốc phù hợp với chính sách lâu dài của nước này là tránh xa các xung đột nước ngoài. Theo ông Fan Hongda, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Quốc tế Thượng Hải, giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng với nhà nước Israel, được cộng đồng quốc tế chấp nhận rộng rãi như một cách để chấm dứt xung đột. 

Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc tấn công mới nhất đã bị Israel chỉ trích, nước này kêu gọi Bắc Kinh có lập trường mạnh mẽ hơn.

Ông Tuvia Gering, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, cho biết: “Không có quan điểm trung lập nào vào thời điểm này”. Chuyên gia này nói thêm, cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cần cứng rắn hơn vì những gì xảy ra ở Gaza khác với các cuộc xung đột trước đó và có phản ứng khác nhau giữa các quốc gia.

“Nếu lập trường của Trung Quốc, dựa trên các chuẩn mực quốc tế, có thể phù hợp hơn với đặc điểm của từng cuộc xung đột thì điều đó sẽ tốt hơn cho hình ảnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Gaza rất khác so với những cuộc chiến trước và nó đang thử thách chính sách ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc”, ông Gering nói thêm.

Đồng quan điểm, theo ông Yan Wei, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Tây Bắc Trung Quốc, về lâu dài, vấn đề Palestine đang và sẽ là cốt lõi của vấn đề Trung Đông. “Nếu không giải quyết được vấn đề Palestine, sẽ rất khó có được hòa bình thực sự ở Trung Đông. Điều này nên được thể hiện trong lập trường nhất quán của Trung Quốc”, ông Yan Wei nhấn mạnh.

Hiện nay, cuộc xung đột Israel- Hamas có nguy cơ làm suy yếu các sáng kiến hòa bình khác trong khu vực, bao gồm cả thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia.

Bắc Kinh luôn thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc tham gia hòa giải xung đột trong khu vực, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình khi ông tiếp đón nhà lãnh đạo chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh vào tháng 6/2023.

>>Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cuộc chiến đang diễn ra cũng phủ bóng đen lên chuyến công du của Thủ tướng Israel Netanyahu tới Trung Quốc, dự kiến sẽ được diễn ra vào cuối tháng này. Trong đó, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia được cho là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông.

Ông Li Weijian, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết nỗ lực hòa giải tại Trung Đông sẽ là một quá trình lâu dài và Trung Quốc không thể tự mình giải quyết vấn đề này.

"Tranh chấp giữa Palestine và Israel khác với tranh chấp giữa Saudi Arabia và Iran khi Riyadh và Tehran sẵn sàng gác bỏ một số bất đồng sang một bên để tập trung hơn vào sự phát triển của mỗi bên", ông Li nói. Đó là lý do tại sao Trung Quốc cần thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Palestine để vấn đề này không bị gạt ra ngoài lề và sẽ được cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết nó.

Có thể bạn quan tâm

  • Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    04:00, 09/10/2023

  • Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

    Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

    03:00, 09/10/2023

  • Bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Đông

    Bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Đông

    03:30, 29/09/2023

  • Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

    Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

    01:00, 11/09/2023

CẨM ANH