Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

TRƯỜNG ĐẶNG 11/09/2023 01:00

Ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy các quốc gia vùng Vịnh đang chuyển mình để vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ và đóng vai trò lớn hơn trên toàn cầu.

Các cường quốc Trung Đông đang nỗ lực củng cố vị thế quốc tế

Các cường quốc Trung Đông đang nỗ lực củng cố vị thế quốc tế

Không còn là các quốc gia kín tiếng trên thế giới, một số nước vùng Vịnh đang dần chứng tỏ vị thế trên toàn cầu. Tại thượng đỉnh BRICS vừa qua, 3 trên 6 quốc gia được mời làm thành viên mới đến từ khu vực này gồm Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

>>"Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20

Bản thân các nước Trung Đông cũng đang thay đổi khi cố gắng khẳng định mình là cường quốc tầm trung không liên kết. Mới nhất, Saudi Arabia đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. UAE – chủ nhà hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu năm nay – muốn đảm nhận vai trò kép vừa là nhà xuất khẩu dầu mỏ vừa là cường quốc năng lượng xanh.

Ngay cả trong lĩnh vực thể thao, Saudi Arabia cũng đang “làm mưa làm gió” với việc thu hút một loạt các tên tuổi lớn của bóng đá thế giới về đầu quân cho giải nội địa, khiến sức hút và hình ảnh của cường quốc giàu mỏ này được biết tới nhiều hơn trên thế giới.

Bất ổn – thứ mà nhiều người cho rằng phổ biến ở Trung Đông – đang ngày càng cải thiện. Lệnh ngừng bắn đã làm giảm nhiệt cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen. Điều đó bắt nguồn từ việc Iran và Saudi Arabia đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau 40 năm hằn thù. Hay Qatar cũng đang cải thiện quan hệ với các nước láng giềng như Syria.

Theo các chuyên gia, một câu chuyện ngày càng phổ biến ở vùng Vịnh là một Trung Đông “mới” sẽ tập trung vào kinh tế hơn là dân chủ hóa, Hồi giáo hóa hoặc các hệ tư tưởng khác. Ngoại giao kinh tế được cho sẽ mang lại sự ổn định, thúc đẩy đầu tư và tầm ảnh hưởng của khu vực vượt ra khỏi cái bóng của Hoa Kỳ đã tồn tại nhiều năm qua.

Nhóm các nước GCC đi đầu trong các hoạt động mở rộng ảnh hưởng quốc tế

Nhóm các nước GCC đi đầu trong các hoạt động mở rộng ảnh hưởng quốc tế

Mở rộng ảnh hưởng kinh tế

Trung Đông có nhiều lợi thế to lớn, đầu tiên và rõ ràng nhất là về năng lượng. Thế nhưng, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đang thay đổi.

Số tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ đang có sự dịch chuyển vào các ngành công nghiệp mới. Thay vì gửi đồng USD vào kho bạc Mỹ như trước đây, Saudi Arabia đã mở ra những lựa chọn mới, từ các cầu thủ bóng đá châu Âu, cho đến cổ phần trong các công ty ô tô điện hay khai thác khoáng sản. Vừa qua, nước này đã đạt được thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD với công ty khai thác mỏ lớn nhất Brazil, một phần trong kế hoạch chi 170 tỷ USD cho ngành này vào năm 2030.

Ưu tiên các lĩnh vực khác ngoài dầu mỏ cũng sẽ phát huy hiệu quả lợi thế địa lý của khu vực này. Đây là điểm nối giữa Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Khoảng 30% container vận chuyển của thế giới đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập, trong khi 16% hàng hóa hàng không của nước này đi qua các sân bay ở vùng Vịnh.

>>Ông Tập vắng mặt ở Hội nghị G20, Mỹ "chớp" cơ hội lớn

Về đầu tư, ảnh hưởng của nhóm các quốc gia vùng Vịnh giàu có cũng ngày càng tăng. Báo cáo năm ngoái của tổ chức Asia House cho thấy, thương mại giữa các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và châu Á dự kiến sẽ đạt khoảng 578 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi nền tảng vẫn là quan hệ làm ăn với Trung Quốc, các chuyên gia nhận định hợp tác của GCC với ASEAN hay Ấn Độ đang gia tăng.

Ngược lại, các cải cách kinh tế và xã hội ở vùng Vịnh cũng bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng ra cả các lĩnh vực phi dầu mỏ.

Dù vậy, dầu mỏ vẫn sẽ đóng vai trò to lớn trong “quyền lực” của Trung Đông. Dễ thấy nhất là lạm phát giá năng lượng, khi mỗi đợt điều chỉnh sản lượng xuất khẩu dầu của nhóm này cũng khiến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu phải theo dõi sát sao để kiềm chế giá cả trong nước.

Các nước Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo

Các nước Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo

Trung Quốc – đòn bẩy chính trị của Trung Đông

Các cường quốc tầm trung ở Trung Đông coi sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc vào khu vực là yếu tố quan trọng giúp họ cân bằng ảnh hưởng của Mỹ.

Trong khi uy tín của Mỹ tại khu vực ngày càng giảm sút thì Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia Vùng Vịnh nhiều lợi ích. Năm 2021, Iran ký thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm với Bắc Kinh trên một loạt lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự cho tới an ninh mạng. Mối quan hệ là “cùng thắng” - Iran cần Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, trong khi Trung Quốc nhập khẩu dầu và khí đốt giá rẻ từ Iran.

Điều tương tự cũng diễn ra giữa Saudi Arabia và Trung Quốc với trụ cột là thương mại và đầu tư. Đến mức vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Saudi Arabia Khalid Al-Falih nói rằng “một thế giới đa cực đã xuất hiện và sự hợp tác giữa GCC, thế giới Ả Rập và Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng của trật tự mới”.

Sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa các cường quốc Trung Đông và Bắc Kinh ngày càng khiến Washington lo lắng, nhất là khi khối BRICS mở rộng đang nhắm tới khu vực này để củng cố sức mạnh nhằm đối trọng với trật tự cũ của Mỹ.

Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề chưa có lời giải tại Trung Đông. Đó là sự chênh lệch phát triển giữa các cường quốc hàng đầu và phần còn lại. Đồng thời, bạo lực, xung đột tiềm ẩn hay những biến động chính trị đến từ tầng lớp lãnh đạo có nguy cơ đảo ngược bất cứ đầu tư và hợp tác kinh tế với các nước.

Dù vậy, với vai trò đi đầu của các nước như GCC, Trung Đông đã bắt đầu đặt dấu ấn nhiều hơn trên bàn cờ quốc tế, để tiếp tục hình thành một cực mới trong trật tự thế giới đang ngả theo hướng đa cực.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ - Trung Quốc mở

    Mỹ - Trung Quốc mở "đường đua" mới ở Trung Đông

    04:30, 23/08/2023

  • Nga

    Nga "chật vật" thay thế ảnh hưởng của Wagner tại Trung Đông

    04:00, 08/07/2023

  • Ông Tập vắng mặt ở Hội nghị G20, Mỹ

    Ông Tập vắng mặt ở Hội nghị G20, Mỹ "chớp" cơ hội lớn

    04:30, 09/09/2023

  • Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ IV): Cơ hội nào cho đất hiếm Việt Nam?

    Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ IV): Cơ hội nào cho đất hiếm Việt Nam?

    04:00, 06/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO