Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?

TRƯỜNG ĐẶNG 13/10/2023 04:00

Thái độ ủng hộ Israel của Ấn Độ đối với cuộc xung đột mới đây đã gây sự ngạc nhiên lớn cho các học giả và giới ngoại giao quốc tế.

Tuyên bố của ông Modi trên MXH về xung đột Israel - Hamas gây chú ý lớn

Tuyên bố của ông Modi trên MXH về xung đột Israel - Hamas gây chú ý lớn

Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas tuần qua vào Israel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tweet trên X (Twitter cũ), “vô cùng sốc trước tin tức về các cuộc tấn công khủng bố ở Israel. Suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về những nạn nhân vô tội và gia đình họ. Chúng tôi đoàn kết với Israel vào thời điểm khó khăn này.”

>>Châu Âu "lục đục nội bộ" về cách tiếp cận xung đột Israel - Hamas

Tuyên bố của ông Modi không chỉ cho thấy mối quan hệ song phương đã thay đổi đáng kinh ngạc ra sao trong hai thập kỷ qua, mà còn đặt ra một dấu hỏi về vai trò không liên kết của Ấn Độ. Cần nhớ rằng vào năm 1992, Ấn Độ còn không có quan hệ ngoại giao với Israel. Hơn nữa, Ấn Độ từ lâu không phải là một quốc gia nhanh chóng chọn phe trong các cuộc khủng hoảng.

Gió đảo chiều

Nhiều năm sau khi Ấn Độ giành được độc lập, Israel cực kỳ nhiệt tình trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ nhưng suốt hơn 4 thập kỷ, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã từ chối đáp lại các đề nghị của Israel, theo các nhà sử học.

Từ cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru cho tới các nhà lãnh đạo chống thực dân khác, Ấn Độ về cơ bản đã phản đối ý tưởng về một nhà nước được thành lập dựa trên chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, đặc biệt là họ cũng nằm lòng bài học về Pakistan. Kết quả là, mặc dù Ấn Độ công nhận việc thành lập Israel vào năm 1950 nhưng nước này đã từ chối bắt đầu mối quan hệ ngoại giao chính thức.

Sau khi quan hệ Ấn Độ- Israel chính thức được thiết lập vào năm 1992, quan hệ quốc phòng và thương mại đã phát triển thành trụ cột trong hợp tác song phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản giữa 2 nước. Ông Ariel Sharon trở thành Thủ tướng Israel đầu tiên đến thăm Ấn Độ vào năm 2003, nơi ông vấp phải sự phản đối lớn của công chúng. Ngoài ra, Ấn Độ thường xuyên bỏ phiếu chống lại Israel tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhưng sau cuộc bầu cử của ông Modi vào năm 2014, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu chuyển sang hướng thân thiện. Vào năm 2015 và 2016, Ấn Độ bỏ phiếu trắng có lợi cho Israel trong cuộc họp ở Liên Hợp Quốc liên quan tới khủng hoảng năm 2014 ở Gaza. Năm 2017, ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Israel.

>> Trung Quốc có dễ thúc đẩy hòa bình Palestine - Israel?

Đâu là nguồn cơn?

Những diễn biến địa chính trị gần đây ở Trung Đông cũng đã tạo khoảng cách giữa Ấn Độ và Palestine. New Delhi đã chấp nhận Hiệp định Abraham năm 2020, trong đó bình thường hóa quan hệ của Israel với một số nước láng giềng Ả Rập và cho phép xuất hiện các sáng kiến mới—như bộ tứ I2U2 và hành lang vận tải mới —trong đó có Ấn Độ. Hợp tác đa phương ở Trung Đông rất quan trọng đối với New Delhi, vì lợi ích thương mại của nước này ở đó và cộng đồng người Ấn Độ đông đảo ở Vịnh Ả Rập.

Với mối quan hệ nồng ấm với cả thế giới Ả Rập và Israel, cách tiếp cận của ông Modi thể hiện ưu tiên chiến lược về an ninh quốc gia

Với mối quan hệ nồng ấm với cả thế giới Ả Rập và Israel, cách tiếp cận của ông Modi thể hiện ưu tiên chiến lược của Ấn Độ về an ninh quốc gia hơn theo đuổi phong trào phi liên kết

Mối quan hệ của Ấn Độ ở Trung Đông cũng phù hợp chặt chẽ hơn với lợi ích của Israel so với lợi ích của người Palestine. Một số đối tác hàng đầu của Ấn Độ trong khu vực - như Ai Cập và UAE - có quan hệ chính thức với Israel, trong khi một quốc gia khác, như Saudi Arabia, được cho là đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa trước khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu.

Tuy nhiên, ngay cả với thực trạng quan hệ đó, tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Modi về Israel vẫn đáng chú ý. Về mặt công khai, Ấn Độ vẫn ủng hộ chính nghĩa của người Palestine, đón tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại New Delhi vào năm 2018. 

Cách tiếp cận của New Delhi được các chuyên gia đánh giá đã thể hiện việc Ấn Độ coi trọng mối quan hệ với Israel trong lợi ích chiến lược lâu dài của nước này.

Không chỉ là đối tác chiến lược thân thiết của Mỹ, Ấn Độ cũng cần duy trì các trụ cột quan hệ mạnh mẽ ở Trung Đông nhằm đảm bảo sự ổn định nơi đây. Một lượng lớn cộng đồng người Ấn Độ cũng đang cư trú và làm việc ở khu vực. Hơn nữa, Ấn Độ cũng rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố thánh chiến. Do đó, vụ việc của Israel cũng có thể cung cấp các bài học kinh nghiệm hữu ích cho New Delhi trong đánh giá và ứng xử.

Chưa kể, Ấn Độ không muốn tạo ấn tượng rằng họ hoàn toàn đứng về phía Israel. New Delhi trong những năm qua vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước và vài lần bỏ phiếu chống lại Israel trong một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc và cho phép viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.

Trên thực tế, với mối quan hệ với thế giới Ả Rập, Ấn Độ sẽ không muốn gây phản cảm với các đối tác quan trọng ở Trung Đông đang kinh hoàng trước sự trả đũa của Israel ở Dải Gaza sau các cuộc tấn công của Hamas.

Có thể bạn quan tâm

  • Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    04:00, 09/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas thử thách nỗ lực hòa giải của Trung Quốc

    Xung đột Israel - Hamas thử thách nỗ lực hòa giải của Trung Quốc

    03:30, 11/10/2023

  • Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

    Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

    03:00, 09/10/2023

  • Trung Quốc sẽ hỗ trợ Israel bình thường hóa với Saudi Arabia?

    Trung Quốc sẽ hỗ trợ Israel bình thường hóa với Saudi Arabia?

    03:30, 09/08/2023

TRƯỜNG ĐẶNG