Xung đột Israel - Hamas: Mâu thuẫn cường quốc hiện hình?
Từ lâu nay, nhiều quốc gia Trung Đông không thể tự quyết định vệnh mệnh của mình nên bị cuốn vào toan tính địa chính trị của các cường quốc.
>>Trung Đông: Giảm Mỹ, tăng Trung vẫn bất định tương lai
Hàng chục năm qua, khu vực Trung Đông luôn chìm trong xung đột vũ trang, xuất phát từ vài nguyên nhân bao trùm: mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Nhiều nỗ lực hòa bình đã thất bại!
Tuy nhiên, trong con mắt của giới chuyên gia sự kiện Hamas tấn công Israel ngày 7/10 được xem là bước ngoặt không chỉ với Trung Đông mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự toàn cầu. Vì sao?
Trước hết, cuộc chiến tranh giữa người Do thái và người Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chật vật tìm giải pháp cho một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt giữa Nga và Ukraine.
Điểm nóng Trung Đông có thể khiến các bên liên quan phải san sẻ bớt nguồn lực dành cho Đông Âu - nhất là Mỹ, bởi giờ đây Washington phải có trách nhiệm ủng hộ đồng minh thân cận Tel Aviv.
Về lý thuyết, các diễn biến nói trên gây áp lực không nhỏ đến cá nhân Tổng thống Biden cũng như đảng Dân chủ trước thềm bầu cử, trong khi làn sóng phản đối nước Mỹ chia sẻ nguồn lực cho bên ngoài quá nhiều.
Mâu thuẫn giữa Israel và người Hồi giáo được xếp vào hàng kinh điển của thế giới đương đại. Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát dải Gaza vào năm 2007, Israel tuyên bố đây là “thế lực thù địch”.
Còn theo quan điểm của Hamas, “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” bao gồm dải Gaza và toàn bộ diện tích đất nước Israel hiện nay và bờ Tây. Việc thành lập nhà nước Israel vào năm 1948 hoàn toàn không có giá trị với Hamas.
Israel đã tiến hành 4 cuộc tấn công quân sự lớn vào Gaza: năm 2008 - 2009, năm 2012, năm 2014 và 2021 trong nỗ lực phá hủy khả năng quân sự của Hamas. Tất cả không mang lại kết quả nào cụ thể ngoài đau thương mất mát cho khoảng 2 triệu người, trong đó đa số là trẻ em.
>>Bộ tứ Trung Đông: Trò chơi mới của Mỹ
Từ các cuộc xung đột này, thế giới đặt câu hỏi: Tại sao Hamas - một lực lượng không đáng kể, trong tình trạng bị phong tỏa gần 2 thập kỷ, bị phương Tây liệt vào danh sách “tổ chức khủng bố” lại đủ tiềm lực và vũ khí đối đầu nhà nước Israel hùng mạnh?
Nhiều nguồn tin cho rằng, Hamas buôn lậu vũ khí thông qua đường hầm bí mật xuyên biên giới các nước láng giềng để tránh lệnh trừng phạt, tự chế tạo một số thiết bị không người lái và tên lửa. Nhưng, chế tạo vũ khí và huấn luyện quân đội dùng cho chiến tranh tấn công là nhiệm vụ phức tạp, hãy nhìn sang Ukraine sẽ thấy!
Từ đây, lại xuất hiện nghi vấn mới, liệu có bàn tay “giật dây” của các cường quốc trong mưu đồ gia tăng ảnh hưởng địa chính trị? Câu hỏi rất có cơ sở, bởi có quá nhiều lực lượng vũ trang cùng tồn tại ở Trung Đông, dù bị cho là “khủng bố” nhưng không thể nào tiêu diệt tận gốc.
Từ góc nhìn vĩ mô cho thấy, Trung Đông bị chia rẽ rất rõ ràng, Israel được Mỹ hậu thuẫn tối đa, việc cựu Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do thái đã thổi bùng ngọn lửa xung đột.
Ngược lại, Mỹ và thế giới Ả rập luôn luôn mâu thuẫn liên quan đến “cách mạng màu”, “xuất khẩu dân chủ”, “chống khủng bố”, can thiệp vào nội bộ nhiều quốc gia, lật đổ nhiều chính thể.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban quay lại cầm quyền. Iran, một thế lực trong khu vực, quyết tâm đương đầu với Washington. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga... cũng đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Do vậy, Trung Đông khó tránh khỏi “vạ lây” từ mâu thuẫn giữa các cường quốc, mà các cuộc xung đột vũ trang chỉ là “thông điệp”.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Israel – Hamas “thổi bùng” giá vàng tuần tới
11:20, 15/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: "Cú sốc" với kinh tế châu Âu
04:00, 15/10/2023
Xung đột Israel - Hamas sẽ kéo theo khủng hoảng dầu mỏ?
03:00, 15/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới
04:00, 14/10/2023