Trung Quốc nỗ lực thống trị quản trị AI toàn cầu

CẨM ANH 19/10/2023 03:30

Tại lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất một khuôn khổ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

>> BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

Trung Quốc đã đưa ra khuôn khổ quản trị AI toàn cầu tại lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường

Trung Quốc đã đưa ra khuôn khổ quản trị AI toàn cầu tại lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường

Với tên gọi Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu, khuôn khổ này được công bố sau lệnh cấm mới nhất của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip của Trung Quốc.

Đồng thời, ông Tập cũng kêu gọi “quyền bình đẳng” trong việc phát triển trong lĩnh vực này. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi với các nước khác và thúc đẩy sự phát triển “lành mạnh, trật tự và an toàn” trong lĩnh vực này.

Sáng kiến của Trung Quốc kêu gọi các nước đề cao sự tôn trọng lẫn nhau khi phát triển AI, đồng thời đề xuất rằng tất cả các quốc gia “bất kể quy mô, sức mạnh hay hệ thống xã hội” đều phải có “quyền bình đẳng”.

“Chúng tôi phản đối việc vẽ ra các ranh giới ý thức hệ hoặc thành lập các nhóm độc quyền để cản trở các quốc gia khác phát triển AI. Đồng thời phản đối việc tạo ra rào cản và làm gián đoạn chuỗi cung ứng AI toàn cầu thông qua độc quyền công nghệ và các biện pháp cưỡng chế đơn phương”, sáng kiến nhấn mạnh.

Được biết, Sáng kiến này do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đưa ra, mô tả sự phát triển nhanh chóng của AI có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế- xã hội toàn cầu. Cục này cũng nói thêm AI đang mang lại những cơ hội to lớn nhưng cũng có những rủi ro khó lường và những thách thức phức tạp.

“Việc quản trị AI là một nhiệm vụ mà tất cả các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại”, SCMP trích dẫn lời Cục Quản lý này cho biết. 

Một điểm đáng chú ý trong Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu của Trung Quốc là quốc gia này phản đối các nước sử dụng công nghệ AI “vì mục đích thao túng dư luận, truyền bá thông tin sai lệch, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác… cũng như gây nguy hiểm cho chủ quyền của các quốc gia khác”.

Ngoài ra, Sáng kiến này còn kêu gọi thực hiện cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong việc phát triển AI, chẳng hạn như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và kêu gọi các nước hợp tác để ngăn chặn việc những kẻ khủng bố và các nhóm tội phạm lạm dụng công nghệ mới. Sáng kiến của Trung Quốc cũng kêu gọi các nước đặt đạo đức lên hàng đầu và cùng xây dựng các nguyên tắc, hướng dẫn để quản lý AI. 

>> Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI

Trước đó Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới khi đưa ra cá

Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới khi đưa ra các quy định quản lý AI tạo sinh

Với việc các quốc gia đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh AI toàn cầu và những tiến bộ trong AI đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhu cầu về các tiêu chuẩn và quy định về AI toàn cầu hiện nay trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Huw Roberts đến từ Đại học Oxford, các quốc gia hiện có quan điểm và xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau trong lĩnh vực AI. Ví dụ, Mỹ đã trao quyền tự do cho lĩnh vực công nghệ của mình và cho đến nay vẫn do dự trong việc đưa ra bất kỳ biện pháp hạn chế nào trong lĩnh vực AI, bất chấp những lời kêu gọi đáng kể từ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của chính họ. Trong khi đó, Trung Quốc muốn có sự giám sát toàn diện của nhà nước đối với tất cả các ứng dụng AI. Sự khác biệt trong cách tiếp cận này khiến cho bất kỳ tiến bộ nào hướng tới các tiêu chuẩn AI toàn cầu trở nên vô cùng khó khăn.

Kịch bản có thể xảy ra là các quốc gia sẽ phát triển các tiêu chuẩn và quy định về AI của riêng mình. Liên minh châu Âu cũng đã đề xuất khuôn khổ riêng cho quy định về AI và các quốc gia khác có thể sẽ làm theo.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc, Mỹ hay EU khó có thể đưa ra cách tiếp cận riêng về quản trị AI. "Một cách tiếp cận quản lý vững chắc có thể gây ra thách thức về mặt kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ rất cần thiết để giảm thiểu tác hại cho các cá nhân, duy trì sự ổn định xã hội và đảm bảo vai trò lãnh đạo pháp lý quốc tế về AI trong dài hạn", ông Roberts nói.

Có thể bạn quan tâm

  • BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

    BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

    04:00, 18/10/2023

  • Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI

    Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI

    03:30, 18/10/2023

  • Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?

    Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?

    04:30, 16/10/2023

CẨM ANH