Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tại lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
>> BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế sẽ đánh giá những thành tựu mà sáng kiến đã đạt được đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại.
Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở Nam bán cầu, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và cuộc xung đột Israel - Hamas đang làm gia tăng lo ngại về một thảm họa nhân đạo toàn cầu.
Ông Tập đã cố gắng thể hiện vai trò của Trung Quốc như một đối tác đáng tin cậy thông qua BRI. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã coi BRI là một chiến lược nhằm tăng cường kết nối toàn cầu.
Được tài trợ bởi các ngân hàng phát triển Trung Quốc cũng như các tổ chức cho vay thương mại nhà nước, các công ty xây dựng Trung Quốc đã mở đường cao tốc từ Papua New Guinea đến Kenya, xây dựng các cảng từ Sri Lanka đến Tây Phi, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng điện và viễn thông từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á.
Bắc Kinh cho biết hơn 150 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác dưới sự bảo trợ của BRI, với các cam kết được đưa ra cho hơn 3.000 dự án và “huy động tới một nghìn tỷ đô la vốn đầu tư”. Theo dữ liệu từ AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu tại William & Mary ở Mỹ, trong 5 năm đầu tiên thực hiện sáng kiến này, trung bình mỗi năm Trung Quốc chi nhiều hơn gấp đôi số tiền tài trợ cho các dự án phát triển ở nước ngoài của bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác, bao gồm cả Mỹ.
Nhưng Niva Yau, chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương đánh giá, điều mà BRI truyền đạt nhiều nhất trong thập kỷ đầu tiên lại là niềm tin vững chắc rằng Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra tầm nhìn của riêng mình về tương lai thế giới.
Các dự án thuộc BRI đã mang theo tham vọng to lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình về vai trò lãnh đạo toàn cầu. Quan điểm của ông Tập là BRI có thể đưa ra một giải pháp thay thế cho các quốc gia cảm thấy đang bị bỏ lại phía sau. Bà Yau chỉ ra, bước đầu tiên trong chiến lược toàn cầu này là ủng hộ ý tưởng xây dựng kết nối và cơ sở hạ tầng làm xương sống cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, thập kỷ đầu tiên của BRI không nhất thiết mang lại sự tăng trưởng bền vững cho các quốc gia tham gia. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sản lượng kinh tế năm nay của Pakistan, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn tài trợ của BRI, dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2018. Kazakhstan vẫn chưa một lần quay trở lại được mức tổng sản phẩm quốc nội mà quốc gia này đã đạt được vào năm BRI được công bố.
Điều này có thể một phần là do cam kết của Bắc Kinh về việc giúp Kazakhstan đưa sản phẩm của mình ra thế giới thông qua kết nối BRI đã không được thực hiện. Sáng kiến này kết nối thị trấn biên giới Khorgos của Kazakhstan bằng đường sắt và đường cao tốc với cảng biển Liên Vân Cảng phía Đông Trung Quốc.
>> Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?
Trước bối cảnh trên, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ định hướng thập kỷ thứ hai của BRI trong bối cảnh những thách thức kinh tế nghiêm trọng ở trong nước. Sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 không như mong đợi và việc các chính quyền địa phương đang phải vật lộn với khoản nợ ngày càng tăng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến Sáng kiến này trong chặng đường tiếp theo.
Vẫn còn phải xem những thách thức kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc cho vay nước ngoài ở mức độ nào trong dài hạn, nhưng hiện tại đã có dấu hiệu thay đổi chiến lược của quốc gia này.
Các nhà phân tích đã ghi nhận sự chuyển hướng từ việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la Mỹ sang các dự án nhỏ hơn với lợi nhuận tốt hơn, chẳng hạn như các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số.
Trung Quốc cũng có thể chú trọng hơn đến các vấn đề môi trường, bảo vệ xã hội tốt hơn, đặc biệt là khi Bắc Kinh đã rút ra bài học từ thập kỷ đầu tiên của dự án.
Có thể bạn quan tâm
BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?
16:22, 17/10/2023
Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?
04:30, 16/10/2023
Nhìn lại 10 năm BRI: Trung Quốc có "bước đi" mới
03:30, 14/10/2023
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ
01:00, 13/08/2022
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ I): Rủi ro vay nợ Trung Quốc
12:00, 08/08/2022