Xung đột Israel - Hamas: Hé lộ "trách nhiệm" của Mỹ

TRƯỜNG ĐẶNG 20/10/2023 03:30

Có những ý kiến cho rằng chính sách can dự khu vực kéo dài suốt 30 năm của Mỹ là nguồn cơn cho những căng thẳng hiện nay, kể cả xung đột Israel - Hamas.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tel Aviv (Israel) vào ngày 18-10.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tel Aviv (Israel) vào ngày 18/10 vừa qua.

Cuộc xung đột lâu dài giữa người Israel theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và người Ả Rập Palestine hiện nay chỉ là hệ quả của một vấn đề lịch sử phức tạp và lâu dài.

>>Nga toan tính gì từ xung đột Israel - Hamas?

Các nhà sử học cho rằng có nhiều dấu mốc, như Kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947, Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, hay Chiến tranh sáu ngày năm 1967, nhưng dường như Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 với sự can thiệp của Mỹ là một trong những cột mốc ảnh hưởng nhất. Theo các chuyên gia, có ít nhất năm yếu tố chính trong lịch sử đã đưa đến cuộc xung đột Israel - Hamas.

Bắt đầu từ năm 1991, Hoa Kỳ đã nổi lên là một cường quốc bên ngoài không có đối thủ trong các vấn đề Trung Đông, trong bối cảnh Washington bắt đầu cố gắng xây dựng một trật tự khu vực phục vụ lợi ích của mình.

Tại đó, chiến tranh vùng Vịnh là nơi Mỹ muốn loại bỏ mối đe dọa từ Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đối với quyền lực trong khu vực. Vào tháng 10/1991, Mỹ đã triệu tập một hội nghị hòa bình tại Madrid với các đại diện từ Israel, Syria, Lebanon, Ai Cập, Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và một phái đoàn chung Jordan/Palestine.

Tuy nhiên, các nhà sử học chỉ ra hội nghị Madrid đã có một sai lầm lớn là không mời Iran tham dự. Tehran đã phản ứng bằng cách tổ chức một cuộc họp của các lực lượng không tham gia và tiếp cận các nhóm Palestine – bao gồm cả Hamas và Thánh chiến Hồi giáo – mà trước đây họ đã phớt lờ.

Nhà nghiên cứu Trita Parsi nhận xét trong cuốn sách Liên minh phản bội của mình, “Iran tự coi mình là một cường quốc lớn trong khu vực và mong muốn có một ghế trên bàn đàm phán,” bởi vì sự kiện Madrid “không được coi chỉ là một hội nghị về xung đột Israel-Palestine, mà là thời điểm quyết định trong việc hình thành trật tự Trung Đông mới.”

Từ sự kiện đó, Tehran đã tìm cách chứng minh cho Mỹ và các nước khác thấy rằng họ có thể làm chệch hướng nỗ lực tạo ra một trật tự khu vực mới nếu lợi ích của họ không được tính đến. Theo thời gian, khi hòa bình vẫn khó nắm bắt và quan hệ giữa Iran và phương Tây ngày càng xấu đi, mối quan hệ giữa Hamas và Iran ngày càng bền chặt.

Thứ hai, đó là vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc xâm lược Iraq sau đó của Mỹ vào năm 2003. Chính quyền George W. Bush toan tính rằng việc lật đổ Saddam sẽ loại bỏ mối đe dọa “vũ khí hủy diệt hàng loạt” vốn không có thật của Iraq, đồng thời muốn “nhắc nhở” các đối thủ về sức mạnh của Mỹ và mở đường cho một sự chuyển đổi căn bản của toàn bộ nền dân chủ Trung Đông.

Thực tế chỉ ra, toan tính đó đã thất bại. Những lo ngại về “sự thay đổi chế độ” do Hoa Kỳ lãnh đạo còn khuyến khích Iran theo đuổi khả năng vũ khí hạt nhân, dẫn đến sự gia tăng đều đặn năng lực làm giàu uranium và các lệnh trừng phạt ngày càng chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Sự kiện quan trọng thứ ba là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 với Iran và thay vào đó trở lại chính sách “gây sức ép tối đa”.

Quyết định này cho phép Iran tái khởi động chương trình hạt nhân và tiến gần hơn đến năng lực vũ khí thực sự. Chưa kể, Iran có động cơ để tấn công các chuyến hàng và cơ sở dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư và Saudi Arabia, nhằm cho Hoa Kỳ thấy rằng nỗ lực ép buộc hoặc lật đổ họ không dễ dàng.

>>Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO

Diễn biến thứ tư được gọi là Hiệp định Abraham, về mặt nào đó là sự mở rộng hợp lý của quyết định rời khỏi JCPOA của ông Trump. Hiệp định này là một loạt thỏa thuận song phương bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Maroc, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Sudan.

Các nhà phê bình lưu ý rằng các hiệp định có tác dụng tương đối ít trong việc thúc đẩy hòa bình vì không có chính phủ Ả Rập thành viên nào có thái độ thù địch với Israel hoặc có khả năng gây tổn hại cho nước này. Trong khi đó, không có giải pháp nào cho số phận 7 triệu người Palestine sống dưới sự kiểm soát của Israel.

Cả thế giới đang dõi theo và tìm cách hóa giải xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas

Cả thế giới đang dõi theo và tìm cách hóa giải xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas

Chính quyền ông Biden sau này cũng vẫn theo đuổi nỗ lực thuyết phục Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy một số loại bảo đảm an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định động lực cho nỗ lực này ít liên quan đến Israel-Palestine mà chủ yếu nhằm mục đích ngăn cản Saudi Arabia xích lại gần Trung Quốc hơn.

Yếu tố thứ năm có ý nghĩa rộng hơn, đó là sự thất bại lâu dài của Hoa Kỳ trong việc đưa tiến trình hòa bình thành hiện thực. Kể cả từ thời Mỹ còn là một thế lực đơn cực trên thế giới dưới thời các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, Washington cũng chưa bao giờ, hoặc không muốn, tìm được giải pháp cho hai nhà nước.

Bối cảnh hiện nay rõ ràng khó khăn hơn nhiều, khi một số quốc gia khác đang mở rộng ảnh hưởng để thách thức trật tự của Hoa Kỳ. Cùng với đó, sự can thiệp của Mỹ suốt ngần ấy năm vào Trung Đông cũng tạo cớ cho các nước đối thủ, như Nga và Trung Quốc tuyên truyền về ảnh hưởng của Washington.

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, dù có nhiều lý do dẫn đến xung đột Israel - Hamas, nhưng với vai trò là cường quốc hàng đầu suốt hàng thập kỷ, Mỹ không thể không có trách nhiệm đối với "chảo lửa mới" của Trung Đông.

Có thể bạn quan tâm

  • Thất bại tình báo của Israel là

    Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO

    04:00, 16/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas: Mâu thuẫn cường quốc hiện hình?

    Xung đột Israel - Hamas: Mâu thuẫn cường quốc hiện hình?

    03:30, 16/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas sẽ kéo theo khủng hoảng dầu mỏ?

    Xung đột Israel - Hamas sẽ kéo theo khủng hoảng dầu mỏ?

    03:00, 15/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới

    Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới

    04:00, 14/10/2023

  • Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?

    Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?

    04:00, 13/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG