Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO

TRƯỜNG ĐẶNG 16/10/2023 04:00

Các đòn tấn công đẫm máu của Hamas vào Israel khiến các quan chức NATO phải đặt lại câu hỏi về mức độ phụ thuộc của lĩnh vực tình báo và quân sự vào công nghệ.

Quan chức NATO, ông Rob Bauer ngạc nhiên trước sự thất bại của hệ thống tình báo tinh vi của Israel

Quan chức NATO, ông Rob Bauer ngạc nhiên trước sự thất bại của hệ thống tình báo Israel 

Thất bại của tình báo công nghệ Israel

Chỉ một tuần trước khi các chiến binh Hamas chọc thủng hàng rào biên giới ở Gaza, một vị tướng của Israel đã tự tin giới thiệu cho quan chức NATO về hệ thống phòng thủ hiện đại tại Trại Re'im ở miền Nam nước này.

>>Xung đột Israel - Hamas: "Cú sốc" với kinh tế châu Âu

Tại đó, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, đã được nghe quan chức quân sự Israel nói về cách họ ứng dụng công nghệ vào trận địa dọc biên giới dài hơn 50km để ngăn chặn một cuộc xâm lược. Hệ thống này bao gồm các máy bay không người lái, máy ảnh, trí tuệ nhân tạo và thậm chí là robot, các lớp tường cao đặt sâu trong lòng đất có tích hợp các cảm biến địa chấn để phát hiện quân địch đang đào hầm bên dưới hay không.

Sư đoàn Gaza của Lực lượng Phòng vệ Israel cũng là lực lượng khét tiếng từng chiếm đóng dải đất rộng gần 230 km2 nằm giữa Israel và Ai Cập. Đặc biệt, đơn vị này chắc chắn được huấn luyện để chuẩn bị cho các cuộc tấn công của Hamas. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, chính những người lính Israel đã phải bất ngờ trước các đòn tập kích của Hamas.

Bài học của NATO

Ông Bauer tỏ ra kinh ngạc trước cách Hamas né tránh hệ thống giám sát hiện đại của Israel. Quan chức NATO nói rằng những chiến binh đã sử dụng dù lượn để vượt qua những bức tường khổng lồ của Israel, cũng như tìm ra cách sử dụng các hệ thống tên lửa từ xa để phóng.

Các công nghệ hiện đại của Israel đã bị qua mặt bởi các chiến binh Hamas với các trang bị thô sơ hơn nhiều

Hệ thống phòng thủ với công nghệ hiện đại của Israel đã bị qua mặt bởi các chiến binh Hamas với các trang bị thô sơ hơn nhiều

Đối với NATO, lực lượng này đang đứng trước cuộc chuyển đổi lớn về năng lực tác chiến trong những năm tới, với đòn bẩy là cuộc chiến Nga – Ukraine – nơi các ứng dụng công nghệ như drone đã và đang phát huy hiệu quả. Theo đó, NATO sẽ hướng vào tăng cường trí tuệ nhân tạo, phòng thủ mạng và công nghệ mới có thể kết nối các chỉ huy liên minh ở trụ sở với những binh sĩ ở sườn phía Đông biên giới với Nga. Thế nhưng, những gì xảy ra ở Israel được các chuyên gia coi như một hồi chuông cảnh tỉnh cho liên minh quân sự này.

“Không có một cảnh báo nào,” ông Rob Bauer nói trong một cuộc phỏng vấn giữa các cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 12/10. “Điều đó có nghĩa là gì nếu bạn tin tưởng vào khả năng tự động hóa, AI hoặc sự kết hợp của tất cả?”

Theo Foreign Policy, không quan chức quân sự và ngoại giao nào của NATO trả lời được tại sao lại xảy ra việc đó. Nhưng các chuyên gia cho rằng, những hậu quả khủng khiếp đó sẽ khiến toàn bộ giới chức NATO phải cân nhắc lại kỹ càng về tình báo công nghệ của họ.

>>Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới

Cuộc tấn công bất ngờ vào Israel đã cho thấy, các giải pháp công nghệ thấp có thể đánh bại cả quân đội công nghệ cao. Các cuộc tấn công của Hamas đã chọc thủng gần hai chục điểm dọc bức tường biên giới của Israel bằng bom xe và những người lái xe mô tô mang theo chất nổ. Hamas sử dụng các chiến thuật bất thường, chẳng hạn như loại bỏ các ống nước khỏi mặt đất và biến chúng thành bệ tên lửa; đào đường hầm và mua máy bay không người lái có sẵn.

Một quan chức cấp cao của NATO cho biết: “Rất nhiều công nghệ họ đang sử dụng không phải là mới hoặc mang tính đột phá… Có những thứ họ có thể lấy trong tủ bếp”.

Sự bị động trong phản ứng quân sự đó khiến một số quan chức trong liên minh lo lắng về việc dựa quá nhiều vào trí tuệ nhân tạo.  “Làm cách nào để chúng ta hợp tác giữa con người và phần mềm để tạo ra hiệu ứng tăng cường trong khi không làm mất kiểm soát tình hình?” một quan chức cấp cao của NATO giấu tên nói với Foreign Policy.

Bài học từ Israel khiến NATO phải cân nhắc chiến lược hiện đại hóa sắp tới của mình?

Bài học từ Israel có khiến NATO phải cân nhắc chiến lược hiện đại hóa sắp tới của mình

Đây rõ ràng là thời điểm khó khăn cho NATO trong lúc vừa đang cố gắng hỗ trợ Ukraine, vừa tìm cách tái cơ cấu năng lực. Một trong những ưu tiên lớn để hiện đại hóa lực lượng là thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương sản xuất nhiều trang bị và vũ khí thông minh hơn.

NATO đang tập trung vào các công nghệ tiên tiến, khai thác các công ty khởi nghiệp và khu vực tư nhân để tăng cường khả năng của mình trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, cảm biến và giám sát.

Theo các chuyên gia, có thể còn quá sớm để kết luận khi cuộc chiến mới nổ ra chưa đầy một tuần. Nhưng những gì xảy ra cho thấy một bài học lớn mà các lực lượng quân sự phải nghiên cứu khi tích hợp quá nhiều công nghệ vào hoạt động.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu

    Châu Âu "lục đục nội bộ" về cách tiếp cận xung đột Israel - Hamas

    04:00, 12/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?

    04:00, 09/10/2023

  • Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?

    Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?

    04:00, 13/10/2023

  • Xung đột Israel – Hamas “thổi bùng” giá vàng tuần tới

    Xung đột Israel – Hamas “thổi bùng” giá vàng tuần tới

    11:20, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO