Việc mở rộng thị trường nội địa, đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cơ cấu xuất khẩu là những giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và giữ vững vị thế.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa nêu tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại” rằng, ngay khi có sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, Sở Công thương cũng gặp gỡ doanh nghiệp, chủ trì lắng nghe, xác định thị trường xuất khẩu với doanh nghiệp TP HCM là quan trọng.
Ông Vũ cho rằng, mặc dù chúng ta chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng TP HCM luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, rất cần những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hiện nay Bộ trưởng Bộ Công thương đang chủ trì các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Chúng ta kỳ vọng một mức thuế phù hợp, có thể điều chỉnh ngắn hạn trong giảm chi phí đầu vào, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước. Bởi theo ông, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn. Trong vài năm qua, việc này đã thực hiện một cách chiến lược, bài bản, nhiều doanh nghiệp của TP HCM đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa.
"Chúng ta cũng phải nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh có "bộ tứ" Nghị quyết (Nghị quyết số 57, Nghị quyết số 59, Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68) là căn cơ, nền tảng cho kinh tế tư nhân, cho doanh nghiệp, cho khoa học công nghệ, phải nâng cao sức mạnh nội sinh của từng doanh nghiệp", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Đồng thời, thúc đẩy việc liên kết, liên kết vùng nguyên liệu, thị trường. Tới đây, theo ông Vũ, khi TP HCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không gian phát triển mở rộng hơn cho doanh nghiệp. TP HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm trong nhiều lĩnh vực.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) nhìn nhận, làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm 2022-2024 và trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024. Đây không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn mà liên tục. Tất nhiên, quá trình kinh doanh có sàng lọc thị trường, nhưng số lượng rút lui hàng trăm ngàn và liên tục thể hiện sức sống, sức chống chịu với thị trường.
Nếu đi sâu vào phân tích sẽ thấy chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, đơn hàng sụt giảm, sức mua yếu đi. Dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% cùng kỳ.
Theo ông Hòa, gần đây, các chính sách thương mại quốc tế thay đổi rất nhanh, rất khó lường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn lực để đáp ứng chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Dự báo từ năm 2026 trở đi, CBAM chính thức áp thuế, đầy chi phí tăng cao. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng hơn, đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh bất lợi nếu không cải cách kịp thời.
"Bối cảnh trên khiến doanh nghiệp tăng mạnh chi phí tuân thủ như: kiểm định, kê khai, môi trường... Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ tiềm lực chuyển mình sẽ mất dần khả năng cạnh tranh về giá và tốc độ giao hàng", ông Hòa đánh giá.
Theo khảo sát của HUBA, những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt như: sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí nguyên vật liệu gia tăng, thiếu lao động, thiếu đơn hàng, năng lực quản trị rủi ro, công nghệ, nhân lực... của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu so với yêu cầu hội nhập mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì không đủ sức để làm.
Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức huy động vốn. Do đó, cần chính sách hỗ trợ tài chính cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải tác động kép để bên cho vay mạnh dạn nới lỏng điều kiện, chính sách. Cần phân nhóm và đi vào cụ thể từng phân khúc doanh nghiệp lớn – vừa – nhỏ và siêu nhỏ.
Về giải pháp mở, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng nên tạo không gian phục hồi và sáng tạo. Cụ thể, tổ chức diễn đàn công – tư định kỳ để cùng tháo gỡ vướng mắc theo ngành; kết nối chuỗi cung ứng nội địa từ doanh nghiệp nhỏ đến FDI, xếp hạng tín dụng mở để tăng khả năng vay vốn không cần tài sản thế chấp....
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, trật tự thế giới đã hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu chặt chẽ.
Về sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, Chiến lược "friendshoring" và "nearshoring" của Mỹ, EU đã thúc đẩy dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc trở thành điểm trung chuyển khiến Việt Nam cũng bị gắn nhãn lẫn tránh thuế trong một số vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây.
Các quốc gia (Hoa Kỳ, Trung Quốc...) cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại và thuế đối ứng. Các nước lớn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm biện pháp truyền thống (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ thương mại), cũng như các biện pháp bổ sung (kiểm soát đầu tư, cầm vận công nghệ, kiểm tra chặt chẽ kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu)...
Tiếp theo là các rào cản phi thuế quan mới: thị trường thiết lập rào cản phi thuế mới như xanh hóa, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động EU triển khai CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới | carbon) gây ảnh hưởng đến các ngành thép, xi măng, phân bón, nhôm. Hoa Kỳ thi hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức Tân Cương (UFLPA) khiến hàng dệt may, da giày Việt Nam gặp rủi ro truy xuất chuỗi cung ứng.
Đối với Việt Nam, trong quý I/2025, bức tranh kinh tế có vẻ khả quan. Tốc độ tăng GDP quý 1/2025 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I giai đoạn 2020-2025. Tuy vậy, sản xuất và xuất khẩu đang tiềm ẩn rủi ro, khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc.
Ông Phạm Bình An cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với áp lực không chỉ về thuế đối ứng mà còn có các yếu tố địa chính trị, trong bối cảnh thương mại lệch pha, nghi ngờ trung chuyển và cạnh tranh từ các quốc gia khác;...
Từ những phân tích trên, ông Phạm Bình An cho rằng, doanh nghiệp nội địa có sức chống chịu tài chính yếu, nên cần chính sách hỗ trợ kịp thời để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội.
Về phía các doanh nghiệp, ông Phạm Bình An cho rằng, doanh nghiệp cần phân loại thị trường xuất khẩu quan trọng như: thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU); thị trường tiềm năng (Ân Độ, Trung Đông, châu Phi,...); thị trường ngách (phân khúc chọn lọc, có điều kiện, dung lượng không lớn nhưng giá trị gia tăng tốt)... Cùng với đó là doanh nghiệp cần định vị lại thị trường mục tiêu.