Khác Mỹ, Australia có cách tiếp cận mới với Trung Quốc

TRƯỜNG ĐẶNG 24/10/2023 04:00

Trong khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt ngành chip Trung Quốc, Australia đang nỗ lực giữ thăng bằng giữa đôi bên.

Australia đang trong cuộc tái cơ cấu lực lượng vũ trang quy mô lớn

Australia đang trong cuộc tái cơ cấu lực lượng vũ trang quy mô lớn

Cải tổ quân đội và thắt chặt quan hệ với Mỹ

Vào tháng 7 vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã đưa vào hoạt động tàu USS Canberra tại căn cứ Pott Point của Hải quân Australia, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ được đưa vào hoạt động trên lãnh thổ của đồng minh. Tuần này, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng sẽ thăm chính thức Mỹ trong khuôn khổ liên minh AUKUS, nơi các đồng minh tìm cách củng cố hơn nữa mối quan hệ trong bối cảnh ngày càng phức tạp hơn của thế giới.

>>Hé lộ "chìa khóa" hoá giải căng thẳng Trung Quốc - Australia

Dưới sự hỗ trợ của Mỹ, việc triển khai các hoạt động tái cơ cấu lực lượng vũ trang của Australia đang được ráo riết thực hiện, mà mục tiêu được các chuyên gia nói không ai khác ngoài Trung Quốc.

Australia cũng đang có kế hoạch điều khoảng 4.500 quân đến Townsville, căn cứ nằm ở phía Bắc bang Queensland. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, Lực lượng Phòng vệ Australia “cần có khả năng phát huy sức mạnh hơn những gì họ có thể làm trước đây” khi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến các nỗ lực xây dựng quân đội thông thường lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Lữ đoàn số 3 sẽ được tái cơ cấu để phục vụ các hoạt động đổ bộ cùng với Hải quân. Lữ đoàn 1 - hiện đóng tại Darwin - sẽ trở thành đơn vị chiến đấu hạng nhẹ với khả năng triển khai nhanh chóng. Các đơn vị tấn công bọc thép và máy bay hạng trung của quân đội sẽ đóng tại Townsville.

Ở phía Nam, Adelaide sẽ trở thành căn cứ “tập trung vào tương lai”, củng cố khả năng tấn công tầm xa của Australia . Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) sẽ được đặt tại đây cùng với các hệ thống phòng thủ tên lửa. Bộ Quốc phòng Australia muốn lực lượng pháo binh nước này nâng tầm bắn lên tới 1.500 km thông qua việc mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ.

Sáng kiến AUKUS sẽ là trọng tâm trong chiến lược răn đe Trung Quốc của Australia

Sáng kiến AUKUS sẽ là trọng tâm trong chiến lược răn đe Trung Quốc 

Theo các chuyên gia, mục tiêu của các cải cách này là rõ ràng: Bằng cách tăng cường khả năng tấn công xa hơn, Australia hy vọng sẽ buộc Trung Quốc phải suy nghĩ cẩn trọng hơn cho bất kỳ hành động quân sự nào ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Công cuộc cải cách lực lượng vũ trang lớn của Canbera không thể thiếu những vũ khí hiện đại mà Washington có thể cung cấp. Là một phần trong liên minh AUKUS, Australia sẽ mua 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào cuối thập kỷ này. Trước đó, Mỹ cam kết sẽ bố trí 6 máy bay ném bom B52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại RAAF Tindal, thuộc Lãnh thổ phía Bắc. Australia và Anh cũng sẽ cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới được chế tạo vào đầu những năm 2040.

Dù có thể phải trả cái giá vô cùng đắt đỏ, tới 368 tỷ đô la Úc (235 tỷ USD) vào những năm 2050, nhưng AUKUS vẫn nhận được sự ủng hộ chính trị trong nước ở mức độ đáng kinh ngạc.

>>Trung Quốc "vượt rào" kiểm soát xuất khẩu của Mỹ như thế nào?

Quay lại "bắt tay" với Trung Quốc

Vậy nhưng, ngay sau lịch trình quan trọng với AUKUS tại Mỹ, ông Anthony Albanese sẽ bay tới Bắc Kinh vào đầu tháng 11 tới để trở thành Thủ tướng Australia đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2016.

Chuyến đi kép của lãnh đạo Australia nêu bật lên cách tiếp cận mới của Canbera trong việc duy trì áp lực an ninh, vừa đảm bảo các lợi ích kinh tế với Bắc Kinh. Ông Albanese đã nói về những nỗ lực của chính phủ nhằm “ổn định mối quan hệ” giữa hai nước. Trong tiếp cận với Trung Quốc, ông nói rằng Australia phải “hợp tác ở những nơi chúng tôi có thể”, nhưng “không đồng ý ở những lĩnh vực chúng tôi phải làm vậy… vì lợi ích quốc gia của mình”.

Dòng chảy thương mại đóng vai trò quan trọng nhất trong quan hệ song phương. Vào tháng 6 năm 2023, Trung Quốc chiếm tới 40% hàng xuất khẩu của Australia, phần lớn là các nguồn tài nguyên thô như quặng sắt, than và khí đốt, đạt giá trị kỷ lục 102,5 tỷ USD.

Mặt khác, Australia lại xích lại gần hơn với Trung Quốc về thương mại

Mặt khác, Australia lại xích lại gần hơn với Trung Quốc về thương mại

Sự phụ thuộc kinh tế của Canberra vào nước Bắc Kinh đã bộc lộ những điểm yếu sau khi cựu Thủ tướng Scott Morrison gây căng thẳng với Bắc Kinh khi kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus gây ra Covid-19. Kết quả, Trung Quốc áp đặt thuế quan và cấm một loạt sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa khác của Australia, gây tổn thất lớn cho nước này.

Dù vậy, dưới thời chính quyền ông Albanese, hai nước đã có thêm những cái bắt tay. Dù vẫn còn bất đồng về lĩnh vực công nghệ và một số mặt hàng, nhưng Bắc Kinh đã quay lại mua dầu, thịt bò, lúa mì và lúa mạch của Australia. Tranh chấp tại WTO cũng đã tạm dừng sau quyết định của Trung Quốc xem xét lại thuế quan đối với rượu vang Australia.

Chuyến thăm sắp tới của ông Albanese tới Trung Quốc được nhiều chuyên gia coi là một nỗ lực tiếp theo nhằm xoa dịu những căng thẳng còn tồn tại. Các dấu hiệu hiện vẫn đang tích cực. Đầu tháng 10 này, Bắc Kinh đã trả tự do cho Cheng Lei, một nhà báo người Australia gốc Hoa bị giam giữ ở Trung Quốc trong hơn ba năm.

“Kể từ khi đắc cử, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi muốn ổn định mối quan hệ với Trung Quốc,” Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết sau khi nhà báo trên được thả. “Tôi nghĩ bạn đã thấy một số lợi ích của việc tham gia chiến lược này”.

Cách tiếp cận khôn khéo của Canbera được các chuyên gia đánh giá đang cho thấy tín hiệu tích cực và đáng để các bên thứ ba học hỏi – như EU. Thế nhưng, duy trì được nó ở mức độ nào vẫn là bài toán khó phía trước, khi Washington sẽ theo dõi chặt chẽ những động thái của đồng minh trong khi tiếp cận với Bắc Kinh.  

Có thể bạn quan tâm

  • BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

    BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

    04:00, 18/10/2023

  • EU tìm cách

    EU tìm cách "giáng đòn" công nghệ nhạy cảm Trung Quốc

    03:30, 13/10/2023

  • "Lỗ hổng" của Mỹ giúp Trung Quốc đột phá công nghệ bán dẫn

    04:30, 08/10/2023

  • Trung Quốc có

    Trung Quốc có "ngại" đối đầu với EU về xe điện?

    04:00, 06/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG