Xung đột Israel - Hamas: Lebanon bất ngờ tung kế hoạch hòa bình
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati có những lý do để kỳ vọng vào kế hoạch hòa bình của mình đối với xung đột Israel - Hamas.
>>Vì sao Saudi Arabia "đứng ngoài" xung đột Israel – Hamas?
Nỗ lực mới của Lebanon
Xung đột Israel - Hamas đang ngày càng trở nên khó lường, có nguy cơ đẩy toàn bộ khu vực vào trong một cuộc khủng hoảng mới. Những nỗ lực của Mỹ, Qatar, Saudi Arabia hay cộng đồng quốc tế cho tới nay vẫn chưa cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Một số quốc gia khác cũng đang thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhằm kiềm chế các bên, như Lebanon. Gần đây, Thủ tướng nước này, Najib Mikati, đã khởi động một kế hoạch hòa bình mới, được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới vào cuộc xung đột Israel - Hamas đang bế tắc về giải pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, ông Najib Mikati đã vạch ra một kế hoạch với ba điểm cơ bản. Đầu tiên, ông muốn có một đợt tạm dừng nhân đạo kéo dài 5 ngày. Trong thời gian này, Hamas sẽ trả tự do một số con tin, chủ yếu là dân thường và người nước ngoài, trong khi Israel sẽ ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo vào dải Gaza. Hamas cũng sẽ ngừng bắn tên lửa.
Nếu lệnh ngừng bắn được duy trì, các bên sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai và thực hiện nó vĩnh viễn. Với sự giúp đỡ của các bên trung gian gồm Lebanon và tất cả các nước trong khu vực, Israel và Hamas cũng có thể đàm phán về việc trao đổi tù nhân lấy con tin.
Các nhà lãnh đạo phương Tây và khu vực sau đó sẽ bắt đầu làm việc ở giai đoạn thứ ba: một hội nghị hòa bình quốc tế nhằm giải quyết xung đột cho Israel và Palestine. Ông Najib Mikati nói: “Chúng tôi sẽ xem xét quyền của Israel và quyền của người Palestine… Đã đến lúc mang lại hòa bình cho toàn khu vực.”
Lãnh đạo Lebanon đã đi thăm các thủ đô của các nước trong khu vực và nói chuyện với các nhà ngoại giao và chính trị gia phương Tây nhằm thuyết phục họ tìm kiếm các cách ngăn chặn xung đột leo thang. Đặc biệt, ông còn muốn ngăn chặn Hizbullah, lực lượng dân quân Hồi giáo Shia mạnh nhất của Lebanon, tham gia cuộc chiến chống lại Israel và gây ra leo thang xung đột trong khu vực.
Lebanon liệu có làm nên chuyện?
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Ả Rập vạch ra kế hoạch hòa bình trong chiến tranh. Trước đây, Thái tử Abdullah bin Abdulaziz của Saudi Arabia - người sau này trở thành nhà vua - đã phát động Sáng kiến Hòa bình Ả Rập đề xuất bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Ả Rập với Israel để đổi lấy việc rút quân hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng kể từ năm 1967. Các nhà lãnh đạo Ả Rập đã tán thành kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh ở Beirut (Lebanon) năm 2002.
>> Mỹ có nguy cơ bị kéo trở lại xung đột Trung Đông
Đề xuất mới đây của ông Mikati thậm chí còn tham vọng hơn khi muốn lôi kéo cả Iran, quốc gia thù địch nhất với Israel và là nhà hậu thuẫn lớn cho lực lượng Hizbullah. Nhà lãnh đạo Lebanon nhấn mạnh: “Người Iran sẽ là một phần của nền hòa bình toàn diện”, đồng thời là một trong những người đầu tiên gặp Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian trong những ngày đầu của cuộc chiến ở Gaza hiện nay.
Cách tiếp cận với Iran được cho là phù hợp khi những bên tham gia xung đột, như Hizbullah hay Hamas đều chịu ảnh hưởng lớn từ Tehran. Ông Mikati nói: “Nếu chúng ta có một thỏa thuận hòa bình quốc tế và toàn diện, tôi chắc chắn Hizbullah và Hamas sẽ hạ vũ khí”.
Một lợi thế của Lebanon, theo các chuyên gia, là mối quan hệ tốt đẹp của nước này với phương Tây, vùng Vịnh và Iran. Chương trình của ông được cho đã nhận được phản hồi nồng nhiệt từ Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh và Pháp. Ngày 29/10, ông cũng đã tới Qatar để thảo luận về kế hoạch của mình.
Theo các chuyên gia, trở ngại duy nhất của Thủ tướng Lebanon là thiếu tầm ảnh hưởng. Là một quốc gia chia rẽ và phá sản về kinh tế, tiếng nói của quốc gia này ít nhiều bị ảnh hưởng. Thậm chí, quân đội chính quy của quốc gia này còn thua kém so với Hizbullah.
Cùng với đó, tâm lý sục sôi của người Ả Rập chưa chắc đã dễ dàng được hóa giải bởi chương trình của ông Mikati. Một số người theo đạo Hồi dòng Sunni của Thủ tướng Mikati đang kêu gọi hành động quân sự để ủng hộ Hamas.
Gần đây, Jamaa Islamiya - một nhóm Hồi giáo dòng Sunni - đã kêu gọi những người ủng hộ họ vận động cùng với Hizbullah ở biên giới Israel. Cuộc khảo sát gần đây ở Lebanon cũng chỉ ra, một phần ba người Sunni ở Lebanon, cũng như một nửa số người Shia ở nước này ủng hộ việc gây chiến với Israel.
Tuy nhiên, ông Mikati vẫn có thể thay đổi suy nghĩ của người dân, khi họ đã chứng kiến những hậu quả thảm khốc của chiến tranh với Israel. Phần lớn miền Nam Lebanon và miền Nam thủ đô Beirut đã bị phá hủy khi Hizbullah gây chiến với Israel lần cuối vào năm 2006. Kể từ đó, nền kinh tế của Lebanon cũng đi xuống. Như Thủ tướng Mikati lý giải, việc giải quyết xung đột Israel - Hamas sẽ không chỉ mang lại sự “nhẹ nhõm” cho hai nước mà còn cho cả các nước láng giềng của họ.
Có thể bạn quan tâm
Ai Cập- "nhân tố mới" trong giải quyết xung đột Israel - Hamas
04:00, 27/10/2023
"Hé lộ" quan điểm của Mỹ về xung đột Israel - Hamas
04:30, 23/10/2023
Xung đột Israel – Hamas đẩy giá vàng tuần tới vượt 2.000 USD/oz?
04:20, 22/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Những tín hiệu đáng sợ!
04:00, 22/10/2023