Sau khi bệnh viện ở Gaza bị tấn công, làn sóng biểu tình ủng hộ người Hồi giáo lan khắp Trung Đông. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Israel và Iran có thể xảy ra xung đột.
>>Xung đột Israel - Hamas: Vấn đề nóng đặt ra với Trung Đông
Vụ nổ kinh hoàng ngày 17/10 tại bệnh viện al-Ahli ở Thành phố Gaza là nấc thang mới trong cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở Trung Đông. Các quốc gia trong khu vực, bao gồm: Bahrain, Ai Cập, Jordan, Maroc, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - thẳng thắn quy kết vụ nổ là do một cuộc không kích của Israel.
Loạt cuộc biểu tình ủng hộ Palestine bùng lên trong thế giới Hồi giáo, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Lebanon, Jordan, Iran và Iraq, cũng như các thành phố thuộc Bờ Tây như Ramallah. Diễn biến này đang khiến cục diện khu vực trở nên khó lường và nguy cơ đối đầu giữa Iran và Israel đã cận kề.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Al Jazeera ngày 15/10, Ngoại trưởng Iran cảnh báo rằng chừng nào chiến dịch của Israel ở Gaza vẫn tiếp tục, rất có thể nhiều mặt trận khác sẽ được mở ra, đồng thời nói thêm rằng nếu Israel quyết định tiến vào Gaza, các thủ lĩnh phe kháng chiến sẽ sẽ biến nó thành nghĩa địa của những người chiếm đóng.
Thực sự có đầy đủ cơ sở để lo ngại xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, bởi mâu thuẫn giữa hai quốc gia này không đơn giản chỉ là câu chuyện nội bộ trong khu vực, mang đặc điểm sắc tộc, tôn giáo - cho dù họ không chung đường biên giới, không tranh chấp lãnh thổ.
Sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ Saddam Husein bị lật đổ sau chiến tranh vùng Vịnh 1991 đã biến Mỹ và Israel trở thành mối đe dọa với Iran. Kể từ đây Tel Aviv và Teheran chấm dứt kỷ nguyên hợp tác năng lượng, trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Đặc biệt, chương trình hạt nhân của Iran khiến Israel đứng ngồi không yện, cựu Thủ tướng Israel Simon Peres cáo buộc chế độ Hồi giáo “nguy hiểm hơn Hitler”. Đến lượt Thủ tướng Netanyahu đã thúc đẩy Mỹ tấn công các địa điểm ở Iran nghi ngờ liên quan đến chương trình hạt nhân.
Thêm nữa, trong khi Mỹ trở nên thân thiết với Israel bao nhiêu thì lại tỏ ra thù nghịch với Iran bấy nhiêu. Đấy là lý do mà giới lãnh đạo quốc gia Hồi giáo ngày càng xem Israel là mối đe dọa với cả khu vực.
>>Xung đột Israel - Hamas: Mâu thuẫn cường quốc hiện hình?
Xét trong bối cảnh hiện nay, Iran có xu hướng thân Trung Quốc và Nga, đặc biệt sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra, một liên minh mới thai nghén có chung mục đích “tự do giao dịch dầu mỏ”, “phi đô la hóa” - chẳng khác gì công khai thách thức sự thống trị của Mỹ.
Logic này cho phép gợi lên suy nghĩ: Liệu Israel có trở thành một Ukraine thứ hai? Bởi Israel nhận hậu thuẫn của Mỹ và tổ chức cuộc chiến chống lại những quốc gia mà Mỹ cho là “cái gai trong mắt”. Chống Iran lúc này cũng đồng nghĩa phá bỏ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông.
Thực tế, lực lượng Hamas dựa vào viện trợ tài chính cũng như hỗ trợ và huấn luyện quân sự từ Iran. Theo các nhà phân tích chia sẻ với đài CNN, các địa chỉ tiền điện tử mà Israel phát hiện có liên kết với Hamas và một nhóm chiến binh Palestine khác có tổng trị giá hàng chục triệu USD.
Có thể bạn quan tâm