Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến ngoại giao nhằm hóa giải xung đột Israel – Hamas.
Chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ ngoại giao của các nước trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas leo thang. Trong số đó, bỏ lại xung đột với Ukraine, Nga bất ngờ đóng một vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng Trung Đông.
>>Xung đột Israel - Hamas sẽ kéo theo khủng hoảng dầu mỏ?
Ngày 16/10, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với ông Binyamin Netanyahu, Thủ tướng Israel và các nhà lãnh đạo Ai Cập, Iran, Syria và Chính quyền Palestine. Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Israel, ông Putin đã bày tỏ lời chia buồn với những người Israel bị sát hại, nhưng không công kích các cuộc tấn công của Hamas mà chỉ kêu gọi ngừng bắn và đổ lỗi cuộc khủng hoảng cho Mỹ. Theo các nhà phân tích, cuộc điện đàm này thể hiện hai vấn đề.
Thứ nhất, đó là sự ưu tiên của Nga trong mối quan hệ với các nước Ả Rập. Theo các nhà quan sát, Thủ tướng Israel rất coi trọng quan hệ cá nhân với ông Putin. Ông Netanyahu từng gọi Vladimir Putin là “người bạn thân yêu” hay đã đến thăm Nga hàng chục lần trong những năm gần đây.
Israel coi trọng Nga vì vai trò của Moscow ở Syria, nước láng giềng bất ổn của Israel. 15% người Israel nói tiếng Nga, do họ có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Bởi vậy, Israel cũng không cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp yêu cầu của Kiev, và mới đây cũng từ chối chuyến thăm của Tổng thống Zelensky.
Vì vậy, việc cuộc điện đàm diễn ra sau 9 ngày kể từ khi vụ việc nổ ra có thể khiến lãnh đạo Israel ngạc nhiên. Chưa kể, phía Nga hầu như không đưa ra một lời chỉ trích nào đối với các chiến binh, bất chấp thông tin trong số người thiệt mạng có người Nga.
Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng sự dè dặt đó đến từ sự ủng hộ của Nga đối với chủ nghĩa dân tộc của người Palestine. Từ thời Xô Viết, Nga đã có truyền thống gần gũi các nước Ả Rập như Iran, Palestine hay Syria. Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, đã từng chào đón một thành viên lãnh đạo của Hamas, Khaled Meshaal, tới Moscow vào năm 2007.
Mối quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết của Nga với Iran gần đây cũng có thể là một nguyên nhân. Năm 2022, Nga đã nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ Iran với hàng trăm máy bay không người lái Shahed cho xung đột với Ukraine. Đổi lại, Nga được cho sẽ cung cấp cho Iran các trực thăng tấn công và hệ thống phòng không hiện đại.
>> Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới
Thứ hai, Nga đang tận dụng cơ hội để làm suy yếu vị thế của Mỹ và đánh lạc hướng phương Tây khỏi xung đột Ukraine. Nếu cuộc xung đột leo thang và mở rộng sang các khu vực khác của thế giới Ả Rập, phương Tây sẽ không còn tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Một cuộc chiến tranh rộng hơn cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng đột biến và tạo ra lợi ích cho Nga.
Bằng cách cử hai tàu sân bay đến khu vực, Mỹ đang cho thấy họ mong muốn ngăn chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng như thế nào.
Đó được cho cũng là những lý do mà Trung Quốc theo đuổi chính sách tương tự Nga. Bắc Kinh đã từ chối lên án Hamas và chỉ bày tỏ quan ngại “về sự leo thang căng thẳng và bạo lực hiện nay giữa Palestine và Israel”. Truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải hình ảnh các tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực nhằm tạo ấn tượng rằng hoạt động này do Washington dẫn đầu, theo tờ Economist nhận định.
Đối với Bắc Kinh và Moscow, việc Mỹ có nguy cơ sa lầy trong khu vực sẽ giúp các chiến lược của Nga và Trung Quốc dễ thở hơn. Hai quốc gia này vừa tham gia một loạt các sự kiện quan trọng như kỷ niệm 10 năm thực thi BRI và sẽ tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn để mở rộng quyền lực ra Nam Bán cầu. Ngay tại Trung Đông, Bắc Kinh đã đặt dấu ấn thông qua việc trung gian nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào đầu năm nay – một điều có thể coi là một thất bại ngoại giao của Mỹ.
Bởi vậy, nếu Trung Quốc hay Nga có thể đóng một vai trò nào đó giúp hòa giải xung đột giữa Israel - Hamas, Mỹ sẽ lại một lần nữa phải nhìn ảnh hưởng của mình bị suy giảm trầm trọng tại một nơi từng được coi là sân nhà của Washington.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Israel - Hamas: Vấn đề nóng đặt ra với Trung Đông
03:30, 17/10/2023
Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO
04:00, 16/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Mâu thuẫn cường quốc hiện hình?
03:30, 16/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: "Cú sốc" với kinh tế châu Âu
04:00, 15/10/2023