Xung đột Israel - Hamas: Những hậu quả khó lường với Mỹ
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nhất định nếu không sớm gây sức ép giúp hạ nhiệt xung đột Israel - Hamas.
Từ việc phiến quân Yemen phóng tên lửa cho đến các khu tị nạn của người Palestine, toàn bộ khu vực Trung Đông đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn khôn cùng. Không phải là một quốc gia trong khu vực, nhưng Mỹ dường như cũng cảm thấy bất an trước diễn biến tại đây, bởi nó đang có nguy cơ dẫn tới những hậu quả khó lường hơn trên bình diện quốc tế.
>>Xung đột Israel - Hamas: Lebanon bất ngờ tung kế hoạch hòa bình
Hiện diện của Mỹ ở Iraq và Syria
Quân đội Mỹ ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Iraq và Syria đã bị tấn công từ máy bay không người lái và tên lửa nhiều lần trong tuần qua. Với việc bạo lực tiếp tục leo thang, các quan chức ở Washington lo ngại rằng những cuộc tấn công quy mô nhỏ này sẽ vẫn tiếp tục, thậm chí còn tồi tệ hơn, từ các lực lượng chống Israel.
Theo đó, các cuộc tấn công nhắm vào người Mỹ có thể mở rộng ra ngoài Iraq và Syria - nơi có 2.500 và 900 lính Mỹ - tới hàng nghìn nhân viên Mỹ khác đóng quân trên khắp khu vực, từ Bahrain đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, ngay cả các tàu thương mại ở Vịnh Ba Tư cũng có thể bị đe dọa ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chỉ đạo bổ sung lực lượng tới khu vực để ứng phó với các cuộc tấn công ở Iraq và Syria, như đưa nhóm tàu sân bay đang trên đường tới Đông Địa Trung Hải về Bộ chỉ huy Trung Đông vào tuần trước. Lầu Năm Góc cũng bổ sung năng lực phòng không cho các căn cứ Mỹ trên toàn khu vực.
Căng thẳng leo thang tại biên giới Israel-Lebanon
Mỹ cũng lo ngại các đòn ăn miếng trả miếng ngày càng tăng tại biên giới phía Bắc của Israel với Lebanon giữa quân đội Israel và Hezbollah, một nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn.
Israel đã sơ tán các ngôi làng gần biên giới trong bối cảnh các vụ phóng tên lửa và lo ngại về các cuộc xâm nhập của phiến quân. Tuần qua, Lực lượng Phòng vệ Israel báo cáo đã sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện khác để tấn công nhiều mục tiêu ở Lebanon.
Chiến tranh có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực khiến Mỹ rất lo lắng, bởi Washington sẽ bị lôi kéo vào căng thẳng trong khu vực để bảo vệ Israel cũng như các tài sản khác ở Trung Đông. Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia cho rằng Mỹ đang cố gắng thuyết phục chính phủ Lebanon đưa ra nhiều động thái hơn với Hezbolla.
Các quan chức Mỹ đã dựa vào các nhà lãnh đạo Lebanon để nói rõ điều này với Hezbollah, lực lượng cũng mang lại ảnh hưởng chính trị đáng kể ở Lebanon. Giống như Hamas, Mỹ coi Hezbollah là một nhóm khủng bố và thường tránh tương tác trực tiếp với nhóm này.
>>Vì sao Saudi Arabia "đứng ngoài" xung đột Israel – Hamas?
Ông Khaled Elgindy, một nhà phân tích của Viện Trung Đông cho biết, những cuộc giao tranh như vậy đáng lo ngại nhưng vẫn có thể được ngăn chặn để không leo thang hơn nữa. Ông nói: “Hezbollah phải đối mặt với áp lực trong nước của chính mình và Lebanon đã thất bại về mặt kinh tế. Họ cũng không muốn những sự tàn phá ở Gaza xảy ra với họ.”
Chiến trường mới ở Yemen?
Một mặt trận mới đã xuất hiện hôm thứ Năm vừa qua khi tàu khu trục USS Carney của Hải quân Hoa Kỳ đánh chặn 4 tên lửa đạn đạo và hơn chục máy bay không người lái do phiến quân Houthi của Yemen phóng ở phía Bắc Biển Đỏ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết các tên lửa đang hướng về phía Bắc, hướng tới Israel thì bị bắn hạ. Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn được cho là đã phóng tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Israel. Không rõ lực lượng Houthi sở hữu bao nhiêu tên lửa, nhưng một cuộc duyệt binh ở thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng trước đã cho thấy một số tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới do Iran sản xuất và cung cấp.
Những tín hiệu mới khiến lệnh ngừng bắn giữa người Houthi và liên minh do Saudi Arabia hậu thuẫn được quốc tế công nhận trở nên ngày càng mong manh.
Bạo lực cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới
Cuộc tấn công của Hamas dường như đã cổ súy cho các phong trào Hồi giáo cực đoan tại các nước phương Tây.
Những người bị cáo buộc có cảm tình với Hồi giáo đã giết chết hai người Thụy Điển ở Brussels và một giáo viên ở Pháp trong tháng qua. Mặc dù không rõ liệu những cuộc tấn công đó có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột Israel-Hamas hay không, nhưng tất cả chúng đều làm tăng mối lo ngại của Mỹ và Liên minh châu Âu trong việc ứng phó với người di cư và tị nạn.
Khi xung đột giữa người Do Thái và Ả Rập gia tăng, các chuyên gia lo ngại sẽ có nhiều hơn các cuộc tấn công chống lại nhau trên thế giới. Như tại Illinois (Mỹ) mới đây, một cậu bé 6 tuổi người Mỹ gốc Palestine đã thiệt mạng khi bị một kẻ cuồng tín ủng hộ Israel đâm.
Với những hậu quả đó, chính quyền Mỹ đang đứng trước những áp lực phải nhanh chóng hạ nhiệt các xung đột. Các quan chức Ả Rập đang thúc giục Washington sử dụng các đòn bẩy mà họ có với Israel. Một số quốc gia tin rằng nếu Mỹ kiên quyết kêu gọi ngừng bắn thì họ có thể thuyết phục Israel thành công. Tuy nhiên, những nhà quan sát cho rằng chính quyền ông Joe Biden vẫn không sẵn lòng làm như vậy, với lập luận cho rằng Israel có quyền đáp trả các cuộc tấn công của Hamas.
Có thể bạn quan tâm
Iran đang bị kéo vào cuộc xung đột Israel - Hamas?
03:00, 29/10/2023
Giá vàng tuần tới: Còn lực đẩy từ xung đột Israel – Hamas
04:20, 29/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Bế tắc giải pháp hòa bình
04:30, 28/10/2023
Xung đột Israel - Hamas gây gián đoạn chuỗi cung ứng
05:00, 27/10/2023
Ai Cập- "nhân tố mới" trong giải quyết xung đột Israel - Hamas
04:00, 27/10/2023
"Hé lộ" quan điểm của Mỹ về xung đột Israel - Hamas
04:30, 23/10/2023