Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/11/2023 04:00

Sự kiện Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng đến Trung Á ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp đã làm "nóng" khu vực Trung Á.

Trung Á đang trở thành địa bàn cạnh tranh giữa bộ ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc

Trung Á đang trở thành địa bàn cạnh tranh giữa bộ ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc

>> Trung Quốc, Mỹ, Nga cạnh tranh quyết liệt ở Trung Á

Trung Á bao gồm Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan từng thuộc không gian của nhà nước Xô viết. Từ 1991, Nga được mặc định kế vị. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Moscow ngày một giảm, nhất là sau khi cuộc chiến với Ukraine xảy ra.

Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan - đã giảm dần số lượng thành viên trong những năm gần đây, một số chính phủ trong khu vực đã thực sự “chuyển hóa” quan điểm ngoại giao theo xu hướng gần gũi hơn với phương Tây.

Với mong muốn duy trì phạm vi ảnh hưởng đang suy giảm của Nga trong khu vực, Tổng thống Vladimir Putin đã có mặt ở Kazakhstan hôm thứ Năm tuần này, thể hiện sự hiện diện của ông - đúng một tuần sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm quốc gia giàu dầu mỏ và khoáng sản này cũng như nước láng giềng Uzbekistan.

Điện Kremlin cho biết các cuộc đàm phán nhằm mục đích “phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Kazakhstan, triển vọng tương tác hơn nữa trong không gian Á-Âu, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hiện tại”.

Rõ ràng Nga muốn khôi phục vị thế của mình ở Trung Á trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng từ Trung Quốc và mối quan tâm địa chính trị ngày càng tăng từ phương Tây.

Phương Tây từ lâu đã muốn kéo Trung Á về phía mình nhằm mục đích cô lập Nga. Sau ngày 24/2/2022, nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết, vì Trung Á là cửa ngỏ duy nhất giúp Nga tiếp cận hàng hóa, công nghệ từ phương Tây khi nước này phải đối mặt với cấm vận ngặt nghèo.

Mặc dù Trung Quốc tỏ ra thân thiết với Nga, nhưng Bắc Kinh vẫn có toan tính riêng. Trung Á là vùng đệm để quốc gia này mở đường vào châu Âu, tiến ra thế giới; đảm bảo an ninh cho các khu tự trị.

>>Mỹ có cạnh tranh được với Nga - Trung tại Trung Á?

Tổng thống Nga và Tổng thống Kazakhstan

Tổng thống Nga và Tổng thống Kazakhstan. Ảnh TTXVN

Hơn thế nữa, Trung Quốc đang là chủ đầu tư rất nhiều dự án khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng cơ sở ở Trung Á phục vụ cho chiến lược bành trướng lâu dài.

Sự thật này gây áp lực không ít với cá nhân ông Putin và tương lai nước Nga. Bởi suy cho cùng, Trung Á là nơi mà Moscow còn nhiều cơ hội hơn cả để hiện diện với vai trò một cường quốc.

Ông Max Hess, thành viên tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) nhận định: “Tôi nghĩ Nga tự tin rằng vị trí của họ ở Trung Á an toàn hơn những nơi khác. Rõ ràng, ông Putin sẽ muốn làm mọi thứ để củng cố nó nhưng họ không lo lắng về việc Mỹ sẽ sớm thay thế hoàn toàn. Nga dễ dàng tìm ra điểm đòn bẩy và sử dụng các mối quan hệ cá nhân cũng như mối quan hệ kinh doanh”.

Vì vậy, Trung Á cũng vướng vào tình thế khó, các đảng cầm quyền của các quốc gia trong khu vực cần đến Nga để giữ vững quyền lực chính trị; mặt khác họ bị hấp dẫn bởi nhiều cơ chế hợp tác kinh tế rất có lợi với châu Âu, Mỹ cũng như Trung Quốc.

Chiến lược này đang dẫn đến hệ quả bị phương Tây cho rằng “Trung Á ngồi trên hàng rào” biểu hiện cụ thể qua cuộc chiến ở Ukraine - Trung Á từ chối tán thành bất kỳ điều gì, hoặc lên án cuộc chiến tranh!

Có thể bạn quan tâm

  • Lệnh trừng phạt bủa vây, Nga siết chặt quan hệ với Trung Á

    Lệnh trừng phạt bủa vây, Nga siết chặt quan hệ với Trung Á

    03:30, 15/10/2023

  • Nóng cuộc cạnh tranh nâng tầm ảnh hưởng tại Trung Á

    Nóng cuộc cạnh tranh nâng tầm ảnh hưởng tại Trung Á

    03:30, 10/10/2023

  • Trung Á được lợi gì khi duy trì thương mại với Nga?

    Trung Á được lợi gì khi duy trì thương mại với Nga?

    03:30, 05/08/2023

  • Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Nga ở Trung Á?

    Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Nga ở Trung Á?

    04:30, 04/07/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ