Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành chuyến công du tới Kyrgyzstan vào ngày 13/10 vừa qua nhằm mục đích củng cố sự ủng hộ từ một số đối tác truyền thống thân cận nhất của Nga.
>> Nóng cuộc cạnh tranh nâng tầm ảnh hưởng tại Trung Á
Theo đó, tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Sadyr Japarov. Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga với tư cách là đối tác thương mại quan trọng và nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Kyrgyzstan, đồng thời cho biết, hai bên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa.
Chuyến công du tới Kyrgyzstan sẽ là điểm khởi đầu cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga tới Trung Quốc vào tuần tới để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và tham dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này.
Các chuyên gia đánh giá, việc ông Putin tham dự Hội nghị nguyên thủ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại Kyrgystan là một dịp quan trọng để nhà lãnh đạo Nga trấn an các đồng minh rằng quốc gia này luôn quan tâm đến việc duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống.
Trao đổi với với Nikkei Asia, bà Kate Mallinson, một cộng sự trong chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House có trụ sở tại Anh cho rằng: “Ông Putin cần hội nghị thượng đỉnh với SNG để cho các nước phương Tây thấy rằng ông ấy không bị cô lập và ông ấy vẫn giữ được ảnh hưởng”. Trừ Gruzia, Ukraine và gần đây nhất là Moldova đã rời khỏi SNG, đa số các quốc gia còn lại đều là đồng minh trung thành của Nga.
Trước đó, Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực tiếp cận các quốc gia Trung Á. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh C5+1 đầu tiên với lãnh đạo các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đồng thời, Liên minh châu Âu cũng tăng cường hợp tác với các nước Trung Á.
Mặc dù vậy, hiện nay thương mại giữa Trung Á và Nga đang bùng nổ. Với việc Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt nghiêm ngặt kể từ khi tiến hành cuộc chiến tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, một số quốc gia đã cung cấp cho Nga một số hàng hóa mà nước này khó tiếp cận.
Mới đây, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã cùng Tổng thống Putin và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tới Moscow để dự lễ khởi công đường ống cung cấp khí đốt từ Nga đến Uzbekistan thông qua Kazakhstan. Nguồn cung khí đốt này sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt tại thị trường nội địa Uzbekistan.
Tổng thống Putin coi thỏa thuận này là một "dự án năng lượng ba bên khổng lồ", mặc dù 2,8 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cung cấp cho Uzbekistan chỉ là con số rất nhỏ so với 155 tỷ m3 khí được vận chuyển đến các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu vào năm 2021.
>> Trung Á được lợi gì khi duy trì thương mại với Nga?
Nga cũng đang sử dụng các yếu tố khác để tạo quyền lực mềm trong khu vực. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, nhà lãnh đạo Nga cho biết từ nay đến cuối năm, nước này sẽ cung cấp 1,2 triệu tấn nhiên liệu cho Kyrgyzstan.
Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga và Kyrgyzstan đang phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và cùng với các quốc gia thành viên khác của EAEU tạo ra các thị trường, hàng hóa, dịch vụ và lao động chung.
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại song phương hằng năm lên 5 tỷ USD. Các nhà quan sát dự đoán, điều này góp phần đảm bảo cho nền kinh tế Nga không gặp nhiều khó khăn trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Trong khi thương mại đang phát triển mạnh, một số ý kiến cảnh báo các nước Trung Á cần cảnh giác với các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với việc xuất khẩu các mặt hàng có thể hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, bao gồm cả các vật tư lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Một số công ty ở Uzbekistan và Kyrgyzstan đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Vào thứ Sáu tuần trước, CNBC đưa tin rằng gã khổng lồ tài chính Freedom Finance của Kazakhstan đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vì cáo buộc có vấn đề trong việc tuân thủ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Freedom Finance, ông Timur Turlov đã lên tiếng phủ nhận mạnh mẽ điều này.
Theo ông Maximilian Hess, nghiên cứu viên Trung Á trong Chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ): “Như một sự trao đổi, các nước Trung Á sẽ phải đồng ý với các yêu cầu của ông Putin về các vấn đề kinh tế và quản trị. Đổi lại, các quốc gia Trung Á sẽ nhận được một số đảm bảo từ Điện Kremlin như giấy phép thị thực cho người di cư ở Nga đến việc xuất khẩu dầu qua đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium".
Có thể bạn quan tâm
Nóng cuộc cạnh tranh nâng tầm ảnh hưởng tại Trung Á
03:30, 10/10/2023
Trung Á được lợi gì khi duy trì thương mại với Nga?
03:30, 05/08/2023
Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Nga ở Trung Á?
04:30, 04/07/2023
Trung Quốc tận dụng Con đường Tơ lụa để củng cố hợp tác với Trung Á
03:30, 29/06/2023
Trung Quốc tìm cách siết chặt quan hệ với Trung Á
04:00, 17/05/2023