Xung đột Israel - Hamas vẫn nóng, giá dầu giảm mạnh vì đâu?
Thị trường năng lượng dường như đang bỏ qua cuộc xung đột Israel - Hamas, thay vào đó lo ngại hơn về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm sút trên toàn cầu.
Sau khi Hamas mở cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10, giá dầu thị trường thế giới đã tăng vọt. Thế nhưng chỉ sau đó vài ngày, giá dầu lại sụt giảm liên tiếp. Dầu thô Brent trên thị trường quốc tế hiện tại đang được bán với giá khoảng 80 USD/thùng, rẻ hơn cả thời điểm cuộc chiến bắt đầu. Điều này trái với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia rằng một cuộc xung đột Israel - Hamas lan rộng có thể đẩy giá dầu vượt mức 100 USD/thùng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát toàn cầu.
>>Xung đột Israel - Hamas: Lebanon bất ngờ tung kế hoạch hòa bình
Lý giải điều này, các nhà phân tích cho rằng xung đột Israel - Hamas, dù ác liệt đến đâu cũng không gây ra nhiều gián đoạn đối với nguồn cung xăng dầu thế giới, khiến các nhà giao dịch kết luận rằng không có mối đe dọa nào hiện diện ngay lập tức.
Ông Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận phân tích địa chính trị tại công ty nghiên cứu Energy Aspects ở Anh, cho biết: “Mặc dù các nhà giao dịch nhận thấy rủi ro gia tăng nhưng điều đó không dẫn đến nhiều hoạt động mua dầu phòng ngừa rủi ro”.
Nhu cầu suy yếu là nỗi lo lớn nhất
Một lý do lớn khác đằng sau sự suy giảm của giá dầu là tâm trạng bi quan về nhu cầu năng lượng trong tương lai. Điều này chủ yếu đến từ những lo ngại về kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất, hay những nước tiêu thụ lớn khác.
Các nhà quan sát cảnh báo rằng năm 2024 có thể là một năm khó khăn trên thị trường dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán trong tuần này rằng mức tiêu thụ xăng ở Hoa Kỳ sẽ giảm vào năm tới do số lượng ô tô điện ngày càng tăng, động cơ xe hiệu quả hơn, hay nhu cầu đi lại giảm do ngày càng nhiều người làm việc tại nhà.
Triển vọng tiêu thụ năng lượng yếu ớt đó đã khiến giá giảm mạnh bất chấp cuộc xung đột Israel-Hamas ngày càng leo thang. Để giữ cho giá dầu không sụt giảm mạnh hơn nữa, Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác đã công bố giảm sản lượng dầu của họ. Dù vậy, sản lượng dầu mạnh mẽ ở Mỹ cũng đã trấn an thị trường. Nguồn cung từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới gần đây đã lập kỷ lục hơn 13 triệu thùng/ngày.
Ông Jim Burkhard, Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ, năng lượng và di động tại S&P Global Commodity Insights cho biết: “Các yếu tố cơ bản mạnh mẽ của thị trường dầu mỏ đang chiếm ưu thế trước mọi lo ngại vào thời điểm hiện tại ”.
Rủi ro thực sự về nguồn cung cũng không hoàn toàn liên quan tới xung đột Israel - Hamas. Các nhà kinh doanh nhận ra Gaza không sản xuất được dầu và Israel cũng sản xuất rất ít. Để có sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung, chiến tranh sẽ cần phải lan rộng đến các mỏ dầu khổng lồ của Saudi Arabia, Iraq hoặc Iran.
Eurasia Group cho biết: “Rủi ro về nguồn cung rất khó xảy ra từ một quyết định độc lập nhằm cắt giảm doanh số bán dầu của Iran hoặc OPEC… Bất kỳ động thái nào như vậy sẽ gây ra nhiều thiệt hại - nếu không muốn nói là nhiều hơn - cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.”
>>Xung đột Israel - Hamas: Những hậu quả khó lường với Mỹ
Những rủi ro tiềm ẩn đẩy giá dầu tăng vẫn còn
Tuy nhiên, khi xung đột Israel - Hamas vẫn tiếp diễn, không có điều gì là không xảy ra. Bốn năm trước, một cuộc tấn công tên lửa vào một cơ sở quan trọng của Saudi Arabia - mà các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Iran - đã tạm thời gián đoạn khoảng một nửa sản lượng dầu của vương quốc này.
Trong một kịch bản, Iran - nước hậu thuẫn chính cho Hamas - có thể cố gắng phong tỏa eo biển Hormuz, nơi một lượng dầu khổng lồ chảy ra phần còn lại của thế giới. Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ.
Bà Helima Croft, chuyên gia hàng hóa tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho biết: “Tôi vẫn nghĩ rằng có rủi ro đáng kể về việc leo thang xung đột Israel - Hamas”. Bà Croft cho biết sự thờ ơ về tác động của chiến tranh tới giá dầu có thể một phần xuất phát từ việc các nhà đầu tư thua lỗ khi giá tăng trên 120 USD/thùng sau khi Nga tấn công Ukraine, nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống. Do đó, thị trường không còn dành sự chú ý cho những loại vấn đề này nữa.
Chính quyền Mỹ đang cố gắng ngăn chặn việc leo thang và mở rộng xung đột Israel - Hamas, trong khi các cường quốc dầu mỏ trong khu vực, bao gồm cả Iran, cũng muốn duy trì lưu lượng tàu chở dầu di chuyển qua Vịnh Ba Tư. Bởi bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ làm giảm nguồn thu xuất khẩu của chính họ, trong khi giá tăng đột biến sẽ có nguy cơ gây tổn hại và khiến những khách hàng lớn xa lánh.
Chuyên gia Bronze của Energy Aspects cho biết: “Có khả năng xung đột Israel - Hamas vẫn được kiềm chế và không lan sang các nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực hoặc các tuyến đường vận chuyển quan trọng”. Thay vào đó, ông chỉ ra “rủi ro lớn hơn đến từ tính toán sai lầm và đánh giá sai”.
Có thể bạn quan tâm