Sáng kiến mới sẽ giúp Mỹ giành lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh?

TRƯỜNG ĐẶNG 14/11/2023 04:00

Thượng đỉnh mới nhất giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh báo hiệu một triển vọng hợp tác sáng sủa hơn giữa hai bên trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực này suốt nhiều năm qua

Mỹ ngày càng quan tâm tới thúc đẩy quan hệ với châu Mỹ Latinh

Mỹ ngày càng quan tâm tới thúc đẩy quan hệ với châu Mỹ Latinh

Ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi tiếp đón các nhà lãnh đạo từ Châu Mỹ Latinh và Caribe tại Nhà Trắng. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong khuôn khổ sáng kiến Quan hệ đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEP) đạt được năm ngoái đã chứng kiến các nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng sạch, vật tư y tế và chất bán dẫn, cũng như mở rộng liên kết thương mại khu vực.

>>Trung Quốc "vũ khí hóa" các khoáng sản quan trọng

Điểm đáng chú ý nhất ở sự kiện quan trọng này là bầu không khí khác hẳn so với Hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái, phản ánh sự tiến bộ trong cách Mỹ quản lý kinh tế với các đối tác khu vực trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây ngày càng tăng. 

Tại cuộc họp năm 2022, với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh luân phiên, ông Biden kỳ vọng thông qua đây có thể quảng bá chính sách của mình đối với Châu Mỹ Latinh. Thế nhưng, trên thực tế chương trình nghị sự đã bị lu mờ bởi những cuộc “tẩy chay”.

Tại đó, Tổng thống Mexico Bolivia và Honduras đã không tham dự hội nghị để phản đối việc Venezuela, Cuba và Nicaragua không được mời. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi trong thảo luận là phát triển kinh tế đã đạt được rất ít tiến bộ.

Nguyên nhân lớn nhất cho thái độ đó của Mỹ Latinh được cho là Trung Quốc. Bắc Kinh đã xích lại gần hơn với các nước Mỹ Latinh trong hai thập kỷ qua, nhờ thương mại song phương và các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hoa Kỳ đã gây áp lực buộc các nước trong khu vực không được thỏa thuận với các công ty Trung Quốc nhưng lại chậm trễ trong việc đưa ra các lựa chọn thay thế.

Với sự kiện lần này, Washington có lẽ đã rút kinh nghiệm. Các cơ quan chính phủ Mỹ và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) đã giới thiệu một chương trình mới được triển khai gần đây nhằm kết nối các công ty Hoa Kỳ với các dự án ở Mỹ Latinh đang tìm kiếm đầu tư.

IDB sẽ tổ chức các sự kiện “roadshow” trên khắp nước Mỹ để thông báo cho các công ty Mỹ về các dự án sẵn sàng đầu tư ở Mỹ Latinh. Trong khi đó, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (IDFC) và Bộ Thương mại, sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho một số giao dịch đó. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cho biết bà đang tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ để tăng số tiền mà IDB có sẵn để cho vay.

Sự kiện lần này cũng đề cập đến sự hợp tác trong chính sách di cư vốn đang làm đau đầu nhiều quốc gia. Mỹ và Canada, cùng với các quốc gia đối tác ngoài khu vực như Hàn Quốc và Tây Ban Nha, đã cam kết sẽ cùng cung cấp 89 triệu USD tài trợ cho các cộng đồng tiếp nhận người di cư ở châu Mỹ. Washington đã dành riêng các quỹ bổ sung cho các cộng đồng tiếp nhận người di cư Venezuela, những người chủ yếu tập trung ở Colombia, Peru, Brazil, Ecuador và Chile.

Dù vậy, chương trình này vẫn để lại vết gợn với sự vắng mặt của Brazil và Argentina, một là trụ cột của BRICS do Trung Quốc dẫn đầu.

>> Vì sao Mỹ nới lỏng cấm vận Venezuela?

Theo các chuyên gia, hợp tác với Mỹ Latinh thông qua IDB là một giải pháp khôn ngoan của Nhà Trắng khi tâm lý bảo hộ ở Washington dâng cao khiến các hiệp định thương mại tự do khó khăn hơn.

Trước đó, Ecuador đã tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ kể từ thời ông Donald Trump nhưng không thành công do bị phản đối ở Capitol Hill. Sau đó, quốc gia này đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc vào tháng 5.

Để tránh những trường hợp tương tự, việc Mỹ làm việc thông qua IDB để có thêm tiền từ khu vực tư nhân chảy vào Mỹ Latinh dù không đơn giản bằng việc ký một thỏa thuận thương mại, nhưng nó không yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội.

Chiến lược của Mỹ bị thúc đẩy bởi sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Mỹ Latinh những năm vừa qua

Chiến lược của Mỹ bị thúc đẩy bởi sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Mỹ Latinh những năm vừa qua

“Tôi đã lấy lại sự lạc quan về mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ”, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou cho biết tại một sự kiện do IDB tổ chức vào ngày 2/11. Ngoại trưởng Mexico Alícia Barcena cũng có thái độ tích cực tại cùng một diễn đàn, nói rằng bà hy vọng bước tiếp trên con đường “hợp tác kinh tế”.

Dù các chuyên gia nói rằng hội nghị thượng đỉnh do Nhà Trắng chủ trì được thiết kế nhằm cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng tại Mỹ Latinh – vốn ngày càng nổi lên như một nguồn cung ứng quan trọng cho ngành công nghệ tương lai, nhưng các bên liên quan phủ nhận ý tưởng này.

Chủ tịch IDB Ilan Goldfajn từng nói rằng ông muốn hoạt động của ngân hàng không phụ thuộc bởi sự phân cực Mỹ-Trung và tập trung vào các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, IDB sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo luân phiên của một nhóm ngân hàng phát triển khu vực và toàn cầu mới, được điều phối bởi Ngân hàng Thế giới. Trong nhóm này còn có Ngân hàng Phát triển Mới (hay ngân hàng BRICS) do Trung Quốc sáng lập.

Cùng với một số nghiên cứu gần đây về việc Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với các ngân hàng phương Tây, giới quan sát cho rằng động thái của Mỹ không chỉ để tìm lại ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, mà còn gián tiếp giúp nâng cao chất lượng các khoản vay của Trung Quốc cho các nước đang phát triển – vốn lâu nay là một vấn đề mà Mỹ thường xuyên quan ngại.

Có thể bạn quan tâm

  • Nếu ông Trump tái đắc cử, các đồng minh của Mỹ sẽ gặp thách thức gì?

    Nếu ông Trump tái đắc cử, các đồng minh của Mỹ sẽ gặp thách thức gì?

    04:00, 13/11/2023

  • Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á

    Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á

    04:00, 10/11/2023

  • Kỳ vọng gì tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?

    Kỳ vọng gì tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?

    14:35, 08/11/2023

  • Kinh tế Mỹ tươi sáng, ông Biden vẫn

    Kinh tế Mỹ tươi sáng, ông Biden vẫn "lép vế" trước ông Trump

    04:30, 08/11/2023

  • Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc

    Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc

    03:30, 06/11/2023

TRƯỜNG ĐẶNG