Tái định hình quản trị toàn cầu

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 25/11/2023 03:30

Trung Quốc ngày nay không chỉ tham gia sâu và rộng hơn vào các vấn đề chung mà còn đóng vai trò giải quyết các vấn đề thế giới nhằm tái định hình quản trị toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ và các đồng minh có thể cũng sẽ không ngồi yên, mà luôn tìm cách hóa giải thách thức này từ Trung Quốc.

p/Trung Quốc đã hòa giải thành công mâu thuẫn Iranp/- Saudi Arabia. (Đại diện Arab Saudi (trái), Trung Quốc (giữa) và Iran trong lễ ký thỏa thuận tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đã hòa giải thành công mâu thuẫn Iran - Saudi Arabia. (Đại diện Saudi Arabia (trái), Trung Quốc (giữa) và Iran trong lễ ký thỏa thuận tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters)

>> Trung Quốc và sứ mệnh quản trị toàn cầu

Nhiệm vụ tất yếu

Trung Quốc xuất phát điểm đã là một nước lớn, giàu tham vọng. Nếu như 100 năm trước, Trung Quốc bị cai trị bởi bát quốc liên minh, thì ngày nay Trung Quốc chính thức công khai thách thức vị thế của Mỹ. Hội đàm Alaska 2021 đã chứng kiến màn đấu khẩu không khoan nhượng giữa quan chức Trung - Mỹ.

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một “mềm mại” hơn, thông qua đầu tư, thương mại, xây dựng hạ tầng; cung cấp giải pháp công nghệ… Trung Quốc có tiếng nói rất trọng lượng tại các diễn đàn quốc tế, nắm giữ “công cụ” giúp tái lập hòa bình liên quan đến hai cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Đông Âu và Trung Đông.

Một góc nhìn khác ở giác độ địa chính trị, trật tự toàn cầu có dấu hiệu phân rã, hay nói đúng hơn sức hút từ Trung Quốc đã hội tụ thành một trục mới gồm có Nga, Iran, Saudi Arabia, Nam Phi,… sản sinh nhiều cơ chế hợp tác như BRICS, BRI, DSR, Sáng kiến An ninh toàn cầu,...

Trung Quốc đóng vai trò chỉ huy trong các tổ chức này, cũng có nghĩa rằng nước này gần như đã lãnh đạo một cực để quản trị toàn cầu. Ví dụ, khối BRICS dự tính phát hành đồng tiền chung, lấy dầu mỏ và đất hiếm làm “bản vị”, được vận hành bởi mạng thanh toán toàn cầu do Trung Quốc làm chủ.

Như vậy, khi đồng tiền này đi vào hoạt động, dù muốn hay không, Trung Quốc phải có trách nhiệm cùng các thành viên chủ chốt khác của BRICS quản trị dòng tiền, như: ngăn chặn lạm phát, chống rửa tiền, bảo vệ sức mạnh đồng tiền,… không chỉ tại Trung Quốc mà còn trong không gian BRICS cũng như toàn cầu.

Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, Trung Quốc và Mỹ “đường ai nấy đi”, có nghĩa rằng các sản phẩm, linh kiện, thiết bị trong tương lai không còn tương thích nhau, nhất là khi Trung Quốc đã ban hành “Made in China 2025”. Do đó, Trung Quốc có trách nhiệm quản lý, bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm của mình đang được sử dụng trên thế giới.

Đặc biệt với kinh tế số, dữ liệu lớn (BigData) và trí tuệ nhân tạo (AI) liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, bảo mật thông tin nhân khẩu học, trạng thái xã hội, kinh tế…, đây là nhiệm vụ quản trị toàn cầu mới xuất hiện mà Trung Quốc chắc chắn phải đảm đương.

>> Chủ nghĩa dân tộc và quản trị toàn cầu

Chạy đua không khoan nhượng

Thế giới đã trải qua gần 1 thế kỷ dưới sự chỉ huy gần như tuyệt đối của Mỹ và phương Tây. Rất nhiều quốc gia, khu vực trở nên thịnh vượng vì biết thích ứng linh hoạt, nhưng cũng có nhiều quốc gia, khu vực chìm trong chiến tranh, nghèo đói vì không tuân phục quyền lực Mỹ.

Tuy nhiên, sự tham gia ngày càng sâu rộng của Trung Quốc vào quản trị toàn cầu đã giúp gia tăng sức mạnh và vị thế quốc tế của nước này cũng như khát vọng lâu dài trong việc đóng góp vào việc tạo ra trật tự thế giới mới theo cách riêng của nước này.

Trong trạng thái cấu trúc trật tự thế giới hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một ứng viên đủ khả năng thách thức, thậm chí thay thế Mỹ. Ngược lại, Mỹ có dấu hiệu chững lại, bị cường quốc châu Á vượt qua trong khá nhiều lĩnh vực và khu vực. Để minh định ngôi vị, thứ bậc quản trị toàn cầu, chắc chắn hai bên sẽ phải trải qua nhiều thách thức trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế ngày càng gia tăng.

Trước mắt, các cường quốc sẽ tìm mọi cách “trói chặt” đối tác, đồng minh vào hệ giá trị lợi ích của mình. Hiện nay là màn chạy đua đầu tư, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ khắp nơi trên thế giới thông qua các sáng kiến của mỗi bên.

Việc chứng minh năng lực quản trị toàn cầu sẽ khiến các nước lớn chìa ra “củ cà rốt”. Ví dụ, Trung Quốc hòa giải thành công mâu thuẫn Iran - Saudi Arabia, hay thúc đẩy giải pháp hòa bình trong chiến sự Nga – Ukraine nhằm tiếp tục nâng cao vai trò trung gian hòa giải thiện chí và đáng tin cậy trên toàn cầu.

Nếu nhìn trên phương diện tích cực, Trung Quốc định hướng một thế giới phát triển không còn phụ thuộc vào Mỹ nhưng sự đối đầu gay gắt giữa 2 quốc gia đã chứng minh điều này không đơn giản. Washington sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay thế chiến lược này và chắc chắn có hành động ứng phó.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc sẽ hỗ trợ Israel bình thường hóa với Saudi Arabia?

    Trung Quốc sẽ hỗ trợ Israel bình thường hóa với Saudi Arabia?

    03:30, 09/08/2023

  • Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    03:00, 16/03/2023

  • Bàn cờ thế cuộc hậu bầu cử Mỹ

    Bàn cờ thế cuộc hậu bầu cử Mỹ

    16:00, 30/10/2020

  • Bàn cờ thế cuộc hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    Bàn cờ thế cuộc hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    22:16, 06/03/2019

TRƯƠNG KHẮC TRÀ