Trung Quốc tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới từ nhóm thu nhập thấp
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, việc tăng cường sức chi tiêu của các nhóm thu nhập thấp có thể mở ra tiềm năng tăng trưởng mới cho Trung Quốc.
>> Các ngân hàng nước ngoài tham gia thí điểm CBDC của Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm động lực tăng trưởng bền vững trong bối cảnh quá trình phục hồi sau đại dịch đang chững lại. Theo ông Liu Shijin, thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Mối lo ngại ngày càng gia tăng ở Trung Quốc về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và khủng hoảng nợ chính quyền địa phương, cùng với sự sụt giảm xuất khẩu.
Điều này đã thúc đẩy Bắc Kinh tăng gấp đôi chiến lược “lưu thông kép". Theo đó, Trung Quốc dựa vào nhu cầu mạnh mẽ ở trong nước và đổi mới làm động lực chính của nền kinh tế, song vẫn duy trì thị trường và nhà đầu tư nước ngoài như một động lực tăng trưởng thứ hai.
Các Cố vấn như ông Liu từ lâu đã kêu gọi chính phủ trung ương nới lỏng các hạn chế về cư trú ở thành thị để tăng sức chi tiêu của người lao động nhập cư khi hàng triệu người nhập cư từ nông tôn đã giúp thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo dữ liệu chính thức, vào năm 2022, khoảng 921 triệu trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc sống ở khu vực thành thị, gần gấp đôi số người ở khu vực nông thôn. Trong đó, quốc gia này có khoảng 295,6 triệu lao động nhập cư vào năm 2022.
Để hỗ trợ quá trình đô thị hóa, Trung Quốc đang nỗ lực nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu, hay còn gọi là hukou, hệ thống quyết định khả năng tiếp cận giáo dục công, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác.
Tuy nhiên, ông Liu cho biết cần có những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy “sự bình đẳng” giữa người dân nông thôn và thành thị về khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội và dịch vụ công. “Ngoài một số vùng đặc biệt, Trung Quốc cần xóa bỏ sự khác biệt về quy định cấp phép, chứng nhận giữa cư dân nông thôn và thành thị”, ông Liu nhấn mạnh.
>> Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ "cản bước" kinh tế ASEAN?
Ông Liu cũng đề xuất kế hoạch 3 năm nhằm giúp tăng phúc lợi cho người lao động nhập cư, đồng thời cho rằng chính quyền địa phương có thể mua bất động sản từ các nhà phát triển đang gặp khó khăn và sử dụng chúng làm nhà ở cho các nhóm thu nhập thấp.
Ông Huang Qifan, cựu Thị trưởng thành phố lớn phía Tây Nam và trung tâm công nghiệp lớn Trùng Khánh, cũng cho biết việc tăng cường sức chi tiêu của các nhóm thu nhập thấp sẽ là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
“Trong 20 năm qua, mô hình dựa vào bất động sản của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng doanh thu tài chính đã trở nên không bền vững”, ông Huang nói trong bài phát biểu quan trọng tại một diễn đàn ở Quảng Châu vừa qua.
Ông Huang nhận định, thay vì phát tiền mặt để thúc đẩy tiêu dùng trong ngắn hạn như một số ý kiến đề xuất, các biện pháp nhằm tăng sức chi tiêu chung của các nhóm thu nhập thấp đến trung bình sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong vài thập kỷ tới.
"Các hộ gia đình Trung Quốc hiện vẫn đang phải đối mặt với áp lực lớn, khi những khó khăn trên thị trường việc làm và bất động sản làm suy giảm thu nhập và giá trị tài sản. Khi nào kỳ vọng thu nhập chưa được cải thiện, người tiêu dùng vẫn sẽ có tâm lý chi tiêu yếu và xu hướng tiết kiệm, tạo ra lực cản lớn đối với đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc", ông Huang nói thêm.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh nước này đang nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế và thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Bên cạnh việc cung cấp các hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu, mở rộng nguồn cung cho thuê nhà giá rẻ, cùng với những chính sách hỗ trợ đối với sản phẩm dịch vụ khác như đồ gia dụng, thiết bị điện tử, ăn uống, du lịch, được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc.
Giới quan sát kỳ vọng, với một loạt các biện pháp ổn định tăng trưởng, mở rộng nhu cầu nội địa và thúc đẩy tiêu dùng, nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước ở Trung Quốc sẽ dần phục hồi ổn định trong năm nay, cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm