Nâng giá carbon: Thực tế hay ảo tưởng tại COP28?
Định giá carbon đã xuất hiện từ lâu, và điều đó thật ra là buộc những tập đoàn kinh tế gây phát thải hàng đầu phải chi trả cho các thảm họa thiên nhiên trên khắp thế giới.
>>COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền
Các nhà chính trị, kinh tế và môi trường toàn cầu vẫn đang nhóm họp ở Dubai trong chương trình nghị sự thuộc COP28, được đánh giá là diễn đàn quan trọng bậc nhất thế giới hiện nay, tìm kiếm “lối thoát” cho sự sống của loài người trên hành tinh xanh.
Một trong những giải pháp được Giám đốc điều hành Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi áp dụng rộng rãi là “định giá carbon”. Tức là xác định chi phí mà một công ty cần phải trả cho lượng khí thải làm hành tinh nóng lên và được coi là cách linh hoạt và hiệu quả nhất về mặt chi phí để đẩy nhanh tiến trình cắt giảm phát thải.
Cách đây 2 năm, mặc dù COP26 đã tính đến phương án cắt giảm trợ cấp tài chính với ngành công nghiệp sản xuất năng lượng hóa thạch, nhưng xem ra thế giới vẫn “khát” dầu mỏ và khí đốt. Trợ cấp của các chính phủ cho than, dầu và khí đốt đạt 1,3 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Một phần do quá trình chuyển đổi động lực tăng trưởng kinh tế diễn ra chậm chạp, chưa một ngành kinh tế nào dám tuyên bố đoạn tuyệt với năng lượng hóa thạch; mặt khác quyền lực của “Big Oil” chưa hề suy giảm - điều này thể hiện qua chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel- Hamas khiến thế giới lo sốt vó về giá dầu.
“Bây giờ chúng ta phải giải quyết vấn đề này dần dần và thay thế bằng động lực chi phí. Tôi muốn nói với tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe rằng giá carbon đã được chứng minh là có hiệu quả,” bà Georgieva nói tại COP28.
Giá carbon hiện nay trung bình 20USD/tấn, nhưng đại diện IMF dự báo có thể được nâng lên 80USD/tấn vào cuối thập kỷ này. Điều này là công bằng, bởi vì bạn càng gây ô nhiễm thì bạn càng phải trả nhiều tiền, và bạn gây ô nhiễm ít thì bạn phải trả càng ít.
Tất nhiên, giá carbon cũng là con dao hai lưỡi, nó trực tiếp làm giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong dài hạn nếu giá carbon quá cao sẽ làm đồng nội tệ tăng lên, gây ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu. Ngược lại, khi carbon quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng khí phát thải ra môi trường.
Trong một số lĩnh vực cốt yếu, phát thải carbon nhiều sẽ rơi vào khó khăn, gây ra tác động lớn. Ví dụ vận tải quốc tế, tàu biển chạy dầu hiện nay là tối ưu chi phí và khối lượng. Nếu gánh thêm giá carbon thì những mặt hàng vốn là bình dân có thể trở nên xa xỉ.
>>COP26: "Tiễn" than đá vào ký ức?
Liệu tham vọng của các COP gần đây vượt ra khỏi điều kiện thực tế? Cái nhìn có vẻ bi quan, song lại là sự thật. Đơn cử, xe điện tạm coi là lĩnh vực sử dụng năng lượng “xanh” đang phát triển mạnh nhất, nhưng ít nhất trong thập kỷ này - rất ảo tưởng nếu cho rằng, động cơ đốt trong đã hết vai trò lịch sử.
Người ta còn đặt vấn đề rằng, sản xuất pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời, turbin gió cũng tàn phá môi trường tự nhiên không kém. Toytota, hãng xe hơi lớn nhất thế giới, có quan điểm: xe điện còn tồi tệ hơn đối với hành tinh.
Sự thật thường phũ phàng, việc lấy tiền từ các tập đoàn kinh tế tư bản gây phát thải nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, châu Âu để chi trả cho tình trạng lũ lụt, mất mùa, hạn hán ở châu Á, châu Phi,… còn khó hơn…lên trời!
Có thể bạn quan tâm