Tách khỏi Trung Quốc "quá đà" đe dọa tham vọng kinh tế xanh của Mỹ
Các quy định mới nhất của chính quyền Biden loại trừ các khoáng sản quan trọng của Trung Quốc được dự báo sẽ khiến Mỹ khó đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của mình.
Theo đó, các quy định mới nhất được đề xuất đối với các thực thể nước ngoài có liên quan (FEOC) được thiết lập để khuyến khích việc giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc đang gây ra những tác dụng ngược với nền kinh tế Mỹ.
>>Dấu ấn của Tổng thống Biden ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 2023
Các nhà phân tích lo ngại rằng các chính sách diều hâu của Mỹ với Trung Quốc đang khiến ngành sản xuất xe điện (EV) của Mỹ phát triển chậm hơn, thay vì kích thích nền sản xuất trong nước phát triển như ông Biden mong muốn.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) với mục tiêu không làm giàu cho các đối thủ tiềm năng ám chỉ Trung Quốc là một mục tiêu được hoan nghênh tại Mỹ. Nhưng dường như chính quyền ông Biden đang vướng ở việc làm thế nào để cân bằng được vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hiện tại.
Các quy tắc mới được đề xuất của Bộ Ngân khố Mỹ và quy tắc diễn giải của Bộ Năng lượng Mỹ thắt chặt hơn các điều kiện để một công ty có thể nhận được các ưu đãi của chính phủ. Có nghĩa sẽ có ít xe điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD mà IRA đã quyết định để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Ít xe đủ điều kiện nhận tín dụng hơn sẽ đồng nghĩa với việc giá xe điện cao hơn và cuối cùng là việc phổ biến xe điện chậm hơn và gây nguy hại cho các nỗ lực giảm lượng khí thải của Mỹ. Đồng thời, việc thiếu các động lực tăng trưởng được cho sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Mỹ trên thị trường xe điện quốc tế.
Mục tiêu của IRA là giảm lượng khí thải và hỗ trợ ngành sản xuất của Mỹ, nhưng phán quyết nghiêm ngặt này đã hạn chế cả hai mục tiêu, ít nhất là đối với các nhà sản xuất ô tô, như nhận định của Kevin Brunelli và PGS Tom Moerenhout, hai chuyên gia tại Đại học Columbia.
Cụ thể, chỉ có khoảng 20 trong số hơn 100 mẫu xe điện được bán ở Hoa Kỳ hiện đủ điều kiện nhận tín dụng đầy đủ. Các quy tắc được đề xuất sẽ dẫn đến số lượng xe trong số đó đủ điều kiện thậm chí còn ít hơn.
Các quy định mới kỳ vọng rằng Hoa Kỳ và các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có thể nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng để thay thế Trung Quốc. Nhưng thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ có thể tăng cường sản xuất trong thời gian ngắn do ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng ngành xe điện.
Hàng loạt vấn đề, từ vấn đề cấp phép, thiếu bí quyết kỹ thuật, thiếu khả năng cạnh tranh kinh tế và thiếu hỗ trợ xã hội từ cộng đồng địa phương và bản địa, là số ít các rào cản mà nước Mỹ phải giải quyết để đạt được quy mô sản xuất lớn với giá thành rẻ như của Bắc Kinh.
Các khoản trợ cấp cho xe điện của IRA luôn quy định rằng nguyên liệu sản xuất pin sẽ không thể đến từ các thực thể nước ngoài có liên quan - một danh sách bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự làm rõ nào về quy tắc này, dù chỉ còn một tháng trước khi quy định về “thực thể nước ngoài có liên quan” có hiệu lực.
>>Mỹ và Trung Quốc "chạy đua" đầu tư vào Đông Nam Á
Theo quy tắc mới được đề xuất, các xe điện muốn nhận đủ tín dụng thuế IRA phải đáp ứng tiêu chí: không bao gồm khoáng sản hoặc vật liệu được sản xuất bởi các công ty có trên 25% quyền sở hữu từ các tổ chức nước ngoài có liên quan. Số phần trăm đó tính bằng số ghế trong hội đồng quản trị, quyền biểu quyết, hoặc lãi vốn cổ phần.
Theo các chuyên gia, việc đặt ngành sản xuất xe điện trong nước ngang bằng với lý do an ninh quốc gia (25% như trong Đạo luật Khoa học và CHIPS) là một sai lầm và bỏ qua tính cấp thiết của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng pin. Hơn một thập kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quyết định về tương lai sử dụng pin và củng cố chính sách công nghiệp hỗ trợ xung quanh quyết định đó, trong khi các chính phủ phương Tây chủ yếu quan tâm đến nguồn cung dầu, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và nhiên liệu sinh học.
Do yêu cầu về quyền sở hữu 25% nên hiện tại có nhiều khả năng phần lớn các công ty cung ứng các vật liệu quan trọng nhất cho ngành xe điện Mỹ sẽ không thể đáp ứng IRA. Ví dụ, Tianqi Lithium có trụ sở tại Trung Quốc kiểm soát 26% cổ phần tại một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới, Greenbushes ở Australia, hay Trung Quốc cũng thống trị ngành chế biến Niken dù Indonesia là quốc gia xuất khẩu hàng đầu.
Một trong những yêu cầu trong các quy tắc được đề xuất là quyền truy cập vào tài sản trí tuệ cũng được cho sẽ khiến các công ty rút lui, bởi nếu làm vậy chỉ để tiếp cận các khoản trợ cấp của IRA là điều rất không chắc chắn, các nhà phân tích chỉ ra.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng sự tiếp cận sai cách đó có khả năng sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải chứng kiến Trung Quốc đạt được lợi thế cạnh tranh toàn cầu nhờ chuỗi cung ứng hiệu quả hơn trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nhiều quốc gia mong muốn Mỹ - Trung "giảng hoà"?
03:30, 21/11/2023
Hậu thượng đỉnh Mỹ - Trung, đột phá nào được kỳ vọng?
04:30, 19/11/2023
Các BigTech Mỹ và Trung Quốc hoạt động ra sao ở Đông Nam Á?
04:00, 18/11/2023
Quan hệ Mỹ - Trung: Tín hiệu mới từ APEC 2023
04:30, 17/11/2023
Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Cuộc gặp đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình
03:30, 17/11/2023
APEC 2023: Tháo “ngòi nổ” căng thẳng Mỹ - Trung
04:30, 16/11/2023