Nhận diện những khó khăn khi khởi nghiệp
Trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4 đã diễn ra phiên thảo luận mở về Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Tham dự phiên thảo luận có sự tham gia của điều phối viên ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương cùng các khách mời: ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội; ông Trần Trí Dũng – Cán bộ đánh giá kết quả và hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program); Luật sư Đoàn Thu Nga - Chủ tịch Hội đồng Công ty TNHH Lawpro - Huấn luyện viên của Action Coach; TS Lê Thị Minh Ngọc – Phó trưởng ban Hỗ trợ Khởi nghiệp – Học viện ngân hàng.
Phiên thảo luận tập trung xoay quanh các chủ đề: Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ thực tiễn địa phương; Thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học; Môi trường để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; Kiến nghị - Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
16:09, 02/12/2019
Cần phát triển và hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo
15:53, 02/12/2019
Hàng loạt chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam
15:34, 02/12/2019
TS. Vũ Tiến Lộc: Khởi nghiệp đồng nghĩa với bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh sáng tạo
15:13, 02/12/2019
Chiều nay (2/12): Tường thuật trực tuyến Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ IV
11:00, 02/12/2019
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương)đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân. Ban Kinh tế Trung ương không chỉ đưa ra nghị quyết mà còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.
Đặt vấn đề tại phiên thảo luận này, ông Nguyễn Tú Anh thông tin, Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết 52 về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điều đó có nghĩa là khởi nghiệp phải gắn với ý tưởng sáng tạo với khoa học công nghệ.
Nghị quyết đã đưa ra một loạt các vấn đề: nhận diện khả năng tham gia cách mạng công nghiệp 4.0; khoa học công nghiệp đã là động lực của phát triển của nền kinh tế hay chưa; Hệ thống đổi mới sáng tạo trong hệ thống quốc gia ra sao; Chuyển đổi số chậm; Hạ tầng về đổi mới sáng tạo…Tất cả những điều này trong phiên thảo luận này sẽ được chia sẻ.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV (Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội) cho biết, với thực tiễn triển khai từ 2016 và thực hiện đề án 844 Chính phủ, Nghị quyết 35 của Chính phủ và đặc biệt 12/6/2017 đã thông qua luật hỗ trợ DNNVV và có hiệu lực từ 1/8/2018 thì Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Thành phố đã ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp vào 5/9/2018 với nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp về toàn bộ thủ tục hành chính, hỗ trợ nội dung liên quan tới phí và lệ phí, hỗ trợ con dấu pháp nhân, tích hợp các kết nối phần mềm misa, các chữ ký số,… "Và cố gắng làm thế nào các doanh nghiệp khi đến với Hà Nội khởi nghiệp thì có thể nhanh chóng gia nhập thị trường và triển khai dự án” – ông Quân nói.
Riêng về lĩnh vực đào tạo, Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về đào tạo khởi nghiệp với những khoá đào tạo thực chất và đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra TP triển khai hàng loạt các hoạt động kết nối ngân hàng, hỗ trợ triển khai thực hiện đề án, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường…
Đặc biệt, ngày 9/9/2019 TP đã ban hành đề án riêng về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong đó có nhiều hỗ trợ cho đối tượng là khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ về truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu tư năm 2020; Hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng cho khởi nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động liên kết kết nối; Tổ chức hoạt động ngày hội thủ đô, các hoạt động đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ toàn bộ liên quan khoa học công nghệ, liên quan tới sở hữu trí tuệ…
Còn Luật sư Đoàn Thu Nga – Chủ tịch HĐ Công ty TNHH Lawpro – Huấn luận viên của Action Coach thông tin, cộng đồng khởi nghiệp rất mong muốn có luật, các văn bản quy định riêng để thật sự hướng dẫn toàn bộ hành trình và quá trình từ khi được sinh ra cho đến khi vận hành và đóng cửa phá sản.
Trên thế giới đã thống kê rằng chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Điều đó có nghĩa là có tới 90% khởi nghiệp là thất bại. Do đó, cần một quy định cụ thể cho hành trình đó.
"Năm 2018 chúng ta có Nghị định 38 ít nhất đã tiến bộ hơn văn bản trước đó như so với Luật hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên vẫn có một số nội dung khó khả thi để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện", bà Nga nói.
Chủ tịch HĐ Công ty TNHH Lawpro lấy ví dụ về câu chuyện gọi vốn. "Các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn mong muốn có quy định để gọi vốn được tốt nhất nhưng câu chuyện gọi vốn hay quỹ đầu tư mạo hiểm thì lại chưa thật sự rõ ràng", bà Nga nói.
Nói về yếu tố quỹ đầu tư mạo hiểm, bà Nga cho biết, thực tế cho thấy, có các nhà đầu tư cùng nhau sang Singapore – nước thứ ba gần nhất và có nền kinh tế phát triển để cùng nhau lập công ty sau đó cùng nhau kinh doanh và đem nguồn vốn về mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là một điều đáng tiếc vì thương hiệu sẽ không thuần là doanh nghiệp Việt Nam.
“Yếu tố lập quỹ cho phép các nhà đầu tư hùn vốn vào với nhau để lập quỹ mạo hiểm nhưng không cho thành lập pháp nhân mà họ phải tự thoả thuận để rồi có ai đó đại diện cầm tiền đi để đầu tư” – bà Nga nhấn mạnh - “rõ ràng điều này là rất khó khả thi bởi bị phụ thuộc vào yếu tố con người và yếu lòng tin và niềm tin là rất khó. Quy định này có thể nói là “chết từ trong trứng nước”.
Bên cạnh đó, có một số quỹ đầu tư hỗ trợ vốn đang bị quy về một hướng là đổi mới sáng tạo. Do đó, các chính sách pháp lý cần phải rõ nét hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố công nghệ hay không.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Tú Anh cũng nêu một số khó khăn khi khởi nghiệp.
Theo ông Tú Anh, khó khăn đầu tiên chính là những người khởi nghiệp không rõ thị trường cần gì, muốn gì nên nhiều khi họ không đưa ra được những sản phẩm phù hợp, những sản phẩm mà thị trường cần.
Khó khăn tiếp theo là khả năng xoay vòng vốn. Thống kê cho thấy có đến 29% doanh nghiệp khởi nghiệp được một thời gian thì không còn khả năng xoay vòng vốn nên tỷ lệ thất bại càng cao.
"Nhiều người hỏi tôi vì sao doanh nghiệp thích sang Singapore khởi nghiệp, tôi chỉ có thể nói rằng đó là vấn đề của thị trường, khi cơ chế chính sách nhiều rủi ro nên họ phải đi chỗ khác để khởi nghiệp", ông Tú Anh nói.
Ngoài ra, việc không tìm được những đồng đội cùng chí hướng cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến khởi nghiệp thất bại. Do đó, tìm được những đồng đội có cùng chí hướng là điều vô cùng quan trọng trong việc biến ý tướng khởi nghiệp thành hiện thực.
Vấn đề làm thế nào để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, theo Luật sư Đoàn Thu Nga, cần có khung pháp lý để định giá các ý tưởng khởi nghiệp.
"Vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tôi cho rằng chúng ta đang hỗ trợ vòng ngoài là nhiều chứ chưa hỗ trợ trực tiếp cho những người khởi nghiệp. Kết quả một khảo sát cho thấy hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy họ cảm thấy yếu trong việc hỗ trợ khách hàng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc tập trung cho hỗ trợ khởi nghiệp nên tập trung hỗ trợ cải cách để hỗ trợ chi phí và ngân sách nhưng cái quan trọng nhất là cơ chế". - bà Nga nói.
Từ kết quả hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp tại chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ, ông Trần Trí Dũng – Cán bộ đánh giá kết quả và hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) chia sẻ: "Chúng tôi đã làm việc với các mạng lưới khởi nghiệp để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn".
"Mở đầu, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có nói tới câu chuyện đổi mới cách làm và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Thực tế, Việt Nam có nhiều bộ luật, có nhiều thể chế pháp lý nhưng phần lớn những người khởi nghiệp không dành nhiều thời gian tư duy pháp lý và tìm hiểu cơ chế chính sách khi khởi nghiệp", ông Dũng nói.
Lý giải vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp cần gì nhất và các trung tâm hỗ trợ hỗ trợ họ được những gì, TS Lê Thị Minh Ngọc – Phó trưởng ban Hỗ trợ Khởi nghiệp – Học viện ngân hàngcho rằng: "Khó khăn đầu tiên là ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp. Sinh viên chủ yếu học các môn đại cương và chuyên ngành. Khi học những môn này, nhiều sinh viên nghĩ chỉ để làm thuê chứ không nghĩ là mình phải học để làm chủ. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi đã có chính sách cộng điểm rèn luyện thì các sinh viên mới tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp".
"Thực tế, các nhóm khởi nghiệp khi đi được một nửa đường thì bỏ cuộc vì nhiều khó khăn. Các bạn sinh viên mới khởi nghiệp họ chưa có nhiều kiến thức để phát triển sản phẩm. Để hoàn thiện và có thể đưa các ý tưởng khởi nghiệp đi xa, các bạn cần bổ sung thêm kiến thức còn thiếu, đồng thời có thể kết hợp với các khoa khác hay các anh chị khóa trên để hoàn thành ý tưởng khởi nghiệp", bà Ngọc gợi ý.