Nâng chất cho nông sản từ ý tưởng... chữa bệnh cho mẹ
Cô gái 8x ở Quảng Trị đã giải được bài toán vĩ mô - đầu ra ổn định cho nông sản. Tuy còn khiêm tốn về quy mô nhưng đó là hướng đi đúng đắn.
Chỉ là những món nông sản được trồng từ những vùng đất đầy nắng và gió thế nhưng, qua bàn tay khéo léo và khối óc tháo vát của cô gái xứ Quảng đã biến thành sản phẩm tốt cho sức khỏe, có giá trị trên thị trường.
Khởi nghiệp vì mình
Vừa đặt chân đến trước cổng ngôi nhà có nét cổ kính đầu con phố Nguyễn Viết Xuân (Thị xã Quảng Trị) đã cảm nhận được mùi thơm dịu luồn qua sống mũi. Đó là hương của các loại hạt đỗ, đậu khi gặp nhiệt độ vừa tới trong lò sấy.
Cô gái 8x Liên Giang nhanh nhẹn, niềm nở đón chúng tôi bằng nụ cười rất tươi. Tất cả đều sạch sẽ, tươm tất, máy móc bóng loáng, hàng khay inox đều tắp lự chứa lớp nguyên liệu căng tròn bóng bẩy được tuyển lựa kỹ càng qua nhiều công đoạn.
Không đao to búa lớn, ý tưởng của Liên Giang thoạt đầu chỉ để giải quyết vấn đề sức khỏe cho mẹ mình. Bà mắc chứng tiểu đường hơn 20 năm nay, hàng ngày phải ăn uống kiêng khem bằng thực phẩm chiết xuất từ nông sản sạch như ngũ cốc, trà gạo lứt.
Các loại đậu, đỗ được tuyển chọn kỹ lưỡng (Ảnh: Khắc Trà)
Thế là cô gái 8x bật ra ý nghĩ: Tại sao không tự sản xuất tại nhà khi nguồn nguyên liệu có sẵn tại quê hương mình? Nói là làm, năm 2017 Giang nghỉ việc nhà nước để khởi nghiệp với nông sản "sạch" bằng thương hiệu Liên Giang.
Thoạt đầu làm ngũ cốc dinh dưỡng truyền thống, được thị trường chấp nhận. Giang tự mày mò chế biến tinh bột nghệ, trà gạo lứt, bột đậu đen xanh lòng, mầm đậu xanh, trà bí đao,.... Tất cả đều thuần khiết tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, không phụ gia hương liệu.
Giang nói: “Lúc mới mở, tuy làm nhỏ thôi nhưng vẫn vào Nam ra Bắc liên tục để kết nối khách hàng, xúc tiến hợp đồng thương mại. Qua những chuyến đi mình rút ra một điều, chất lượng sản phẩm quý hơn ngàn lời nói”.
Bộ sản phẩm từ nông sản sạch từ cơ sở Liên Giang đã có mặt tại nhiều thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM. Khi chưa có dịch bệnh COVID-19 cơ sở là nơi làm việc ổn định cho 10 lao động.
Tôi không tin một người mắc tiểu đường hơn 20 năm như bà Phùng Thị Luyên (mẹ của Giang) lại khỏe mạnh hồng hào như thế. Nhưng đó là sự thật. Bà nói: “công lao lớn ở các sản phẩm của em Giang”.
Giải bài toán vĩ mô
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018, Tổng giám đốc Công ty Bagico - doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực có phát biểu gây ấn tượng: “Nông sản Việt như cô gái đẹp chỉ ngồi nhà chờ người khác hỏi mua”.
Rất nhiều băn khoăn trăn trở sau phát biểu này. Vì sao ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp nhưng đời sống nông dân mãi thấp kém? Đến bao giờ mới giải được điệp khúc “được mùa mất giá”?
Nhìn lại, mấy chục năm nay nông sản Việt Nam chủ yếu bán thô sang Trung Quốc, thiếu liên kết, cam kết nên khó mạnh lên. Nông dân là chủ thể ở nông thôn nhưng đời sống bấp bênh, phần lớn do thiếu bền vững cho đầu ra nông sản.
Liên Giang đã cởi bỏ nút thắt trong chuỗi gia tăng giá trị cho nông sản tại Quảng Trị khi không phụ thuộc vào thương lái và nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường. Thay vào đó, cô đã chọn được 8 héc-ta làm vùng nguyên liệu bền vững.
Cứ đầu năm, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân được ký kết. Đổi lại, họ phải canh tác đúng với yêu cầu của Liên Giang để cho ra nguồn nguyên liệu “sạch” nhất có thể.
Từ hạt đậu mộc lăn lóc, củ nghệ vàng thắm, lắm lúc có thể vứt bỏ vì thương lái làm ngơ. Nhưng khi gắn vào đó quy trình chuẩn mực sẽ xuất hiện sang trọng trong các cửa hàng bán lẻ với bao bì, nhãn mác, mã mạch, code QR.
Với nông sản sạch Liên Giang, tuy còn khiêm tốn về quy mô, nhưng đã chứng minh một điều: Nông sản Việt muốn thoát cảnh chợ chiều không còn con đường nào khác ngoài chế biến sâu với “3 nhà” Nhà nông - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Làm sao để nông sản Việt “chiếm lĩnh” thị trường tiêu dùng Việt?
00:13, 30/11/2020
Nền tảng Nông Sản vô địch cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
04:05, 28/11/2020
Cần vai trò của nhà nước trong “xuất khẩu tại chỗ” nông sản
00:01, 28/11/2020
Gỡ rào cản giúp sàn thương mại điện tử nông sản “cất cánh”
04:30, 27/11/2020
Gỡ vướng cho sản phẩm nông sản Việt ngay trên sân nhà
06:00, 24/11/2020
Hiệp định RCEP với các ngành (Kỳ 1): Nông sản Việt hưởng lợi ra sao?
04:30, 24/11/2020
Nông sản an toàn tìm đầu ra
11:00, 20/11/2020
Doanh nghiệp nông sản hướng tới EVFTA và đối tác ASEAN
10:05, 17/11/2020