Đông Nam Á có thêm 15 'kỳ lân' trong năm 2021: không có công ty nào của Việt Nam
Sky Mavis được định giá 3 tỷ USD mới đây là công ty đăng ký tại Singapore (dù cho đội ngũ chính là người Việt Nam), đồng thời cũng chưa được công nhận chính thức là "kỳ lân".
Theo số liệu từ DealStreetAsia, tính đến 12/10, khu vực Đông Nam Á có tới 15 công ty khởi nghiệp được tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm trở thành kỳ lân.
Không có đại diện nào của Việt Nam. Tính đến nay, chính thức Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân là VNG và VNLife, một trở thành kỳ lân năm 2014, một trở thành năm 2020. Mới nhất, Sky Mavis gọi vốn 152 triệu USD vòng Series B tương ứng mức định giá 3 tỷ USD. Cho dù có đội ngũ phát triển hầu hết là người Việt Nam, tuy nhiên Sky Mavis đăng ký kinh doanh tại Singapore. Hơn nữa, công ty này cũng chưa được công nhận chính thức là kỳ lân.
Thực tế là tính đến năm 2020, khu vực Đông Nam Á chỉ sản sinh ra 19 kỳ lân do VC hậu thuẫn kể từ khi Lazada gia nhập câu lạc bộ định giá tỷ đô vào năm 2013. Sự bùng nổ năm 2021 được đánh giá là đáng kinh ngạc.
Hiện số kỳ lân của khu vực Đông Nam Á đã đạt con số 17. Ấn Độ, quốc gia có thêm 30 kỳ lân trong năm nay giúp tổng số kỳ lân lọt top 50.
Sự gia tăng số lượng kỳ lân có nghĩa là các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu mới của họ với giá cao hơn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á và Ấn Độ đang song hành trong việc thu hút vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Theo DealStreetAsia, số tiền mà các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á huy động được trong 9 tháng đầu năm 2021 từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác đã đạt tổng cộng 17,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 8,5 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp Ấn Độ đã thu hút được khoảng 24 tỷ USD đầu tư vào VC trong cùng giai đoạn, gấp đôi con số 12,4 tỷ USD cho cả năm 2020, theo PitchBook Data. Cả hai con số đều đạt mức cao kỷ lục.
Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đều đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ nhân khẩu học thuận lợi và tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, vốn là động lực chính thúc đẩy sự thâm nhập của điện thoại di động và internet. Mặc dù đại dịch COVID-19 càng làm rộng mở nền kinh tế internet trên toàn cầu, nhưng những gì diễn ra ở Đông Nam Á đặc biệt ấn tượng.
Theo một báo cáo gần đây của Facebook và Bain, 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – đã tăng thêm 70 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, những người được định nghĩa là thực sự mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến tăng từ 280 triệu lên 350 triệu. Tỷ lệ thâm nhập đã tăng từ 64% lên 78% dân số trên 15 tuổi.
Con số này cao hơn so với 150 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số ở Ấn Độ, những người có mức thu nhập trung bình cũng thấp hơn ở khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác, nền kinh tế bán lẻ trực tuyến tổng hợp của khu vực Đông Nam Á lớn hơn nhiều so với Ấn Độ, mặc dù dân số ít hơn một nửa.
Nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ có người tiêu dùng.
Askhay Bhushan, giám đốc tại Lightspeed Venture Partners tại Bangalore chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp B2B phục vụ nhu cầu số hoá bán hàng, mua hàng, tài chính đang nổi lên với SME Đông Nam Á.
"Tôi đã chứng kiến sự số hoá nhanh chóng của các doanh nghiệp nhỏ Ấn Độ, sau đó là Đông Nam Á, hiện giờ hai khu vực này đang phát triển song song".
Trên thực tế, 6 trong số 15 kỳ lân mới ở Đông Nam Á là các công ty B2B như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần thương mại điện tử và dịch vụ cổng thanh toán di động cho các nhà bán lẻ.
Sự gia tăng số lượng kỳ lân cũng cho thấy sự gia tăng định giá của các công ty nói chung.
Joonpyo Lee, giám đốc điều hành của Softbank Ventures Asia nhận thấy rằng với nguồn vốn khả dụng nhiều hơn, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á có thể theo đuổi việc mở rộng ra toàn châu Á thậm chí toàn cầu, nâng cao tiềm năng tăng trưởng của họ và dẫn đến định giá cao hơn.
Lee nói thêm: "Không có gì là bất thường khi một công ty khởi nghiệp Đông Nam Á ngày nay vươn ra thị trường châu Á hoặc toàn cầu".
Nguồn vốn khả dụng cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á dường như vẫn đầy hứa hẹn cho đến thời điểm hiện tại.
Hiện nay, Trung Quốc mở cuộc đàn áp với các công ty công nghệ lớn khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu tạm dừng và xem xét lại đánh giá của họ về rủi ro khi đầu tư vào các công ty công nghệ nước này.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến nhiều công ty công nghệ và VC Trung Quốc chuyển sự chú ý từ các công ty khởi nghiệp Ấn Độ sang các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á.
"Ngoài những yếu tố chính trị quốc tế đó, bản thân Đông Nam Á cũng đang bước vào thời kỳ quan trọng", Bhushan của Lightspeed cho biết. Ông cũng chỉ ra tác động trực tiếp từ những câu chuyện thành công của kỳ lân đối với các công ty mới hơn.
"Các tài năng trẻ ngày nay đã chứng kiến những thành công của Sea và Grab, họ thành lập nên các công ty mới. Các nhà đầu tư khu vực và toàn cầu cũng đã nhìn thấy những câu chuyện thành công đó và rót vốn tài trợ".
Có vẻ sẽ có ngày càng nhiều "kỳ lân thế hệ tiếp theo" được sinh ra tại Đông Nam Á.
https://cafebiz.vn/dong-nam-a-co-them-15-ky-lan-trong-nam-2021-khong-co-cong-ty-nao-cua-viet-nam-2021101713171887.chn
Có thể bạn quan tâm