Khủng hoảng là chất xúc tác để startup Việt Nam phát triển
Trong khó khăn luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc có thể mang lại giá trị, đột phá mới.
Năm 2016, Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp, làn sóng startup đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là của các bạn trẻ đã đạt được thành công.
Trong gần 2 năm qua, các startup gánh chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Thực tế được đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures chỉ ra, trong năm vừa qua, lượng đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt đã giảm khoảng một nửa.
"Tuy nhiên, trong khó khăn luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc có thể mang lại giá trị, đột phá mới", ông Trần Quang Hưng - đại diện Vinacapital Ventures nhấn mạnh.
Và cũng không thể phủ nhận có những startup tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại và bối cảnh chống dịch.
Ông Vương Hoài Nam, Giám đốc Công nghệ của Techainer cho hay, trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng, chống dịch thì đặc thù của ngành công nghệ thông tin là ít bị ảnh hưởng nhất bởi họ ít sử dụng nguyên, vật liệu và có thể duy trì làm việc từ xa.
Đó cũng chính là lợi thế của Techainer, giúp họ duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cũng trong bối cảnh dịch COVID-19, khi sự quan tâm đổ dồn về phía công nghệ tiên phong thì blockchain như một "thỏi nam châm" thu hút các startup trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Là một startup khá thành công hiện nay, ông Đặng Vương Anh, nhà sáng lập của TAPME (game sử dụng công nghệ blockchain) chia sẻ, sau không ít lần "bầm dập" khi khởi nghiệp, nhóm đã tìm ra hướng đi mới, đó là việc sử dụng công nghệ blockchain như một công cụ quản lý tài khoản của người chơi, bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
Dù đang trong quá trình chạy thử nhưng bản alpha của TAPME thu được kết quả khá ấn tượng khi số lượng người đăng ký sử dụng trong 2 tuần qua đạt gần 1,9 triệu (tại Việt Nam), lượt người theo dõi trên Telegram là gần 180.000, trên kênh Twitter là hơn 50.000.
Theo ông Đặng Vương Anh, công nghệ blockchain đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tạp chí Forbes cũng dự đoán Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm sáng kiến phát triển blockchain của khu vực Đông Nam Á.
Theo nhận định của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, các startup được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ COVID-19 ở Việt Nam.
Theo HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore.
Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng internet và tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam công bố tháng 6/2021 cũng phân tích triển vọng năm 2021 rằng, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của COVID-19 nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.
"Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi", báo cáo nhận định.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP. HCM cũng cho hay: "Đây là giai đoạn có thể tái khởi nghiệp rất mạnh mẽ vì thời điểm này, chi phí thấp hơn so với bình thường. Chẳng hạn như chi phí mặt bằng bây giờ sẽ ít hơn, chi phí nhân sự cũng thấp hơn".
Có thể bạn quan tâm