Startup ON gọi vốn thành công 1,1 triệu USD vòng hạt giống
Startup thương mại xã hội ON gọi vốn thành công 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống, dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners.
>>Startup Carsome gọi vốn thành công 290 triệu USD trong tài trợ Series E
ON được thành lập vào năm 2021 bởi Giang Nguyễn (cựu lãnh đạo công nghệ của Tập đoàn FPT), Dzung Lưu (cựu giám đốc nhân sự startup gọi xe be) và Minh Nguyễn (cựu giám đốc tài chính của Logivan). ON là nền tảng bán hàng không cần vốn hàng đầu tại Việt Nam.
Cùng với Touchstone, vòng đầu tư này còn có sự tham gia của Quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures. ON là nền tảng bán hàng không cần vốn được ra mắt đầu năm 2021 tại Việt Nam bởi 3 nhà đồng sáng lập Nguyễn Hoàng Giang, Lưu Tiến Dũng và Nguyễn Tiến Minh.
ON hướng đến mục tiêu giúp mọi người khởi sự kinh doanh, gia tăng thu nhập dễ dàng với số vốn 0 đồng. Tính đến nay, ON đang sở hữu cộng đồng hơn 1 triệu người quan tâm.
Tham gia vào ON, đối tác bán hàng sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn hàng gần 20.000 sản phẩm từ các nhà cung cấp uy tín đang có sẵn trên nền tảng mà không cần bỏ vốn. Đối tác bán hàng chỉ cần giới thiệu và tư vấn bán hàng, ON sẽ phụ trách toàn bộ các vấn đề về nguồn hàng, đóng gói sản phẩm và vận chuyển. Với mỗi đơn hàng thành công, đối tác bán hàng có thể nhận được hoa hồng lên đến 50% giá trị đơn hàng.
Hiện tại, nền tảng ON đã thu hút hơn 10.000 đối tác bán hàng, trong đó có đến 90% là phụ nữ, phần lớn sinh sống ở khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ. Thông qua nền tảng, trung bình mỗi nhà bán hàng có thể gia tăng thu nhập lên đến 7 triệu đồng/tháng.
>>Startup GIMO gọi vốn thành công 1,9 triệu USD từ quỹ ngoại
>>Startup Sleek huy động thành công 14 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành ON, chia sẻ: "ON được tạo ra với kỳ vọng kiến tạo giá trị tích cực cho cộng đồng, giúp mọi người có thể bắt đầu bán hàng và kiếm thêm thu nhập một cách dễ dàng, bền vững với nguồn hàng chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín. Đại dịch Covid-19 trong vòng 2 năm qua đã thúc đẩy thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chúng tôi tin tưởng rằng trong 5 năm tới, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xã hội sẽ trở thành xu hướng mua sắm chính của người tiêu dùng tại Việt Nam. Với số vốn được huy động trong vòng này, ON sẽ tiếp tục phát triển năng lực công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng thị trường đến các tỉnh thành tại Việt Nam."
Một báo cáo mới đây của Facebook và Bain & Company cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia có lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa ước tính là 56 tỷ USD, tăng 11,8 tỷ USD so với năm 2020. Đây được xem là những con số ấn tượng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Hiện tại, doanh thu từ thương mại điện tử chỉ chiếm chưa đầy 5,5% doanh thu bán lẻ tại Việt Nam, thể hiện tiềm năng thị trường của lĩnh vực này còn rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ, nơi mà 92% hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh và có đến 72% tham gia mua sắm trực tuyến trên Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội khác nhưng chưa có nhiều ứng dụng công nghệ tập trung vào khu vực này.
Có thể bạn quan tâm