Các công ty khởi nghiệp Indonesia đổ xô đầu tư nuôi trồng thủy sản
Theo tờ Jakarta Post, làn sóng số hóa và đầu tư của các công ty khởi nghiệp (startup) vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã và đang lan rộng tại Indonesia.
Tại tỉnh Yogyakarta, nhà sản xuất cá rô phi và cá da trơn PT Banoo Inovasi Indonesia đang giúp người nuôi nâng cao sản lượng. Banoo phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản mang tên “MycroFish”, trong đó sử dụng máy sục khí và các cảm biến để đảm bảo duy trì oxy, axit và nhiệt độ tối ưu cho ao nuôi.
Banoo tuyên bố hệ thống này giúp tăng năng suất ao nuôi lên đến 42%. Giám đốc tiếp thị Lakshita Aliva Zein cho biết công ty hy vọng sẽ bán được 100 hệ thống MycroFish trong năm nay và khai thác tiềm năng từ 62.208 hộ nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh theo thống kê năm 2020.
Theo số liệu thống kê chính thức, cá rô phi và cá da trơn là những sản phẩm nuôi trồng thủy sản được sản xuất rộng rãi nhất tại Indonesia sau rong biển. Cụ thể, hai loài này lần lượt chiếm 8,2% và 7,2% trong 15,52 triệu tấn sản lượng nuôi trồng thủy sản quốc gia năm 2017.
Nhóm khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản Digifish Network với 30 thành viên cho biết, hiện có hơn 700 startup tham gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Indonesia. Các công ty này đang cạnh tranh để khai thác thị trường được Bộ Biển và Nghề cá (KKP) dự báo sẽ đạt 17,47 tỷ USD vào năm 2024.
Trong số startup đang tham gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có thể kể đến eFishery – công ty vừa thu về 90 triệu USD trong vòng gọi vốn tài trợ Series C vào ngày 10/1 vừa qua, và Aruna với 30 triệu USD thu được trong vòng gọi vốn Series A vào ngày 26/1.
eFishery có kế hoạch sử dụng số tiền trên để thuê thêm nhân viên mới, phát triển sản phẩm và mở rộng hoạt động sang các thị trường trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Được thành lập vào năm 2013, công ty có trụ sở tại thành phố Bandung này hiện phục vụ 30.000 nông dân tại 24 tỉnh thành của Indonesia với các dịch vụ đầu cuối cho người nuôi như cho vay, thu mua và tiếp thị.
Giám đốc điều hành eFishery Gibran Huzaifah cho biết: “Bằng cách giới thiệu công nghệ mới, chúng tôi đang hợp lý hóa ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản và tôm cá để chúng hoạt động hiệu quả hơn và bền vững hơn”.
Theo KKP, Indonesia có tiềm năng sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện sản lượng thực tế của nước này chỉ đứng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
Các thách thức như hiệu quả sử dụng thức ăn, tiếp cận vốn và thị trường vẫn đang là những rào cản lớn trong ngành. Ví dụ, Banoo cho hay rất khó để thuyết phục người nuôi cá truyền thống sử dụng công nghệ mới, dẫn đến việc công ty chỉ tập trung vào thị trường mục tiêu là những người nuôi thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) vốn có trình độ học vấn cao hơn.
Trên thực tế, trình độ học vấn thấp là một trong những thách thức hiện nay đối với lực lượng lao động nông nghiệp. Dữ liệu của Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) cho thấy 65% lực lượng này có trình độ học vấn từ cấp tiểu học trở xuống, trong khi chưa đến 1/5 có trình độ trung học phổ thông trở lên.
Do vậy, nhiều startup về công nghệ nông nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đang tập trung vào các đối tượng nông dân trẻ hơn. Tuy nhiên, vấn đề là có ít người trẻ theo đuổi nghề nông hơn so với các thế hệ trước.
Cụ thể, kết quả Điều tra lực lượng lao động quốc gia cho thấy, năm 2019, chỉ 23% trong tổng số 14,2 triệu lao động từ 15-24 tuổi của Indonesia đang làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Bờ biển và Đại dương thuộc Viện nghiên cứu Nông nghiệp Bogor (PKSPL IPB) Yonvitner cho rằng chính phủ cần tạo động lực để khuyến khích nông dân thế hệ Millennial sử dụng công nghệ mới. Theo ông Yonvitner, các startup nuôi trồng thủy sản đã giúp đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ ở những người nuôi, mặc dù mức độ nhìn chung vẫn còn thấp.
Trong diễn biến liên quan, Viện Công nghệ Sepuluh Nopember (ITS) dự kiến sẽ khai trương trung tâm nuôi trồng và du lịch sinh thái biển nổi đầu tiên ở Indonesia trong tháng Hai này. Theo kế hoạch, một địa điểm nuôi cá ngừ đại dương sẽ được xây dựng ở Vịnh Sidoasri, tỉnh Đông Java, sử dụng lưới vây nổi được thiết kế để xử lý các điều kiện môi trường khắc nghiệt ngoài khơi.
Chủ nhiệm dự án Yeyes Mulyadi khẳng định rằng Indonesia có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn ở vùng biển xa song chưa được khai thác, bao gồm cả ở biển Natuna và biển Aru, do hạn chế về công nghệ cũng như chi phí cao.
Ông Yeyes cho rằng việc kết hợp du lịch sinh thái biển và nuôi trồng thủy sản được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng để thế hệ trẻ tham gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đồng thời khẳng định rằng đây có thể là một lĩnh vực mới nổi cho các startup.
Theo ông Yeyes, ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang có sức hút trên khắp thế giới. Dữ liệu của FAO cho thấy đóng góp của lĩnh vực này vào tổng sản lượng đánh bắt thủy sản đã tăng đều đặn từ mức 25,7% vào năm 2000 lên 46% vào năm 2018.
Có thể bạn quan tâm