Lương Xuân Trường gọi vốn 7 tỷ đồng cho dự án IRC

QUÂN HOÀNG 12/07/2022 04:24

Tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6, Tiền vệ Lương Xuân Trường gọi vốn thành công 7 tỷ đồng cho dự án IRC từ Shark Liên.

>>Startup HANZ gọi vốn 100.000 USD lấy 1,5% cổ phần tại Shark Tank Việt Nam

Chia sẻ về startup của mình, Xuân Trường cho biết: "Từ thuở còn niên thiếu cho đến nay, sự nghiệp của em gắn liền với bóng đá và bây giờ em đã trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp. Trong khoảng thời gian đấy, em đã phải chứng kiến rất nhiều chấn thương nặng của đồng đội, đồng nghiệp trong bóng đá. Do đó, em muốn xây dựng một trung tâm điều trị, xử lý các chấn thương để mọi người không phải ra nước ngoài.”

Xuân Trường hồi tưởng, năm 2019, Lương Xuân Trường bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Anh đã phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị và tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian ở Hàn Quốc, trong anh luôn đau đáu những câu hỏi “Tại sao lại không phải là Việt Nam?”, “Tại sao mình phải đến đất nước xa xôi đến thế để điều trị phục hồi chấn thương?”.

>>Shark Tank: Nơi ươm mầm khởi nghiệp hay chỉ là game show?

>>Dàn “cá mập” vừa quen vừa lạ trở lại cực ấn tượng trong Shark Tank mùa 5, “bà Ngoại U60” chiếm spotlight

Quay trở về Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ những phẫu thuật viên, bác sĩ, nam tiền vệ được biết ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi nơi có khoảng 500 - 1.000 ca phẫu thuật chỉ riêng cho dây chằng, chưa kể đến những bệnh lý khác về cơ, xương, khớp. Thường các bệnh nhân sẽ được đưa cho giáo án để tự luyện tập và có lịch hẹn tái khám sau khoảng 3-6 tháng.

Rủi ro có thể xuất hiện trong thời gian tự phục hồi tại nhà, bệnh nhân luyện tập không đúng cách vì không có sự kiểm chứng của bác sỹ điều trị… Những điều đó càng thôi thúc nam tiền vệ quyết tâm thành lập một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt và IRC đã ra đời.

Sản phẩm của IRC gồm có phục hồi chấn thương, phòng tránh chấn thương, dinh dưỡng để đảm bảo quá trình phục hồi và giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý. Slogan của startup là "Phụng sự thể thao Việt Nam". Sản phẩm của IRC không chỉ hướng tới những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn dành cho những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp thuộc phân khúc trung cấp.

Vào tháng 5/2020, nam tiền vệ và các cộng sự đã bắt đầu khởi động dự án. Sau quá trình đào tạo, tháng 3/2021, trung tâm chính thức được khai trương. Tính đến tháng 4 năm nay, trung tâm đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trung tâm đang lỗ vì sau khi khai trương, trung tâm mất gần 6 tháng "tê liệt", không có doanh thu vì giãn cách xã hội. Nhưng tiền vệ này vẫn khẳng định, trung tâm có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Về chất lượng chuyên môn dịch vụ, IRC hiện đang thuê chuyên gia y học thể thao nước ngoài để đào tạo đội ngũ đường dài, sẵn sàng cho việc mở rộng sau này.

Đồng sáng lập IRC Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm, IRC đang thuê văn phòng ở Hà Nội với 2 mặt sàn, diện tích mỗi mặt khoảng 125m2. IRC đang có 6 nhân viên làm chuyên môn, có thể phục vụ tối đa 30 lượt khách/ngày. Trung tâm hiện có 3 cổ đông và đã góp vốn 6,64 tỷ.

Sau khi nghe chia sẻ Shark Hưng đánh giá, đây chính là điểm mạnh của IRC khi Lương Xuân Trường đang là cầu thủ chuyên nghiệp và có bạn bè, đồng đội cũng là người chơi thể thao. Vì thế IRC sẽ hiểu được khách hàng cần gì trong quá trình này.

Shark Liên rút vé vàng trị giá 100 triệu để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Bà cho biết cách đây 5 năm đã từng đưa chồng sang Hàn Quốc mổ dây chằng nên thấu hiểu tâm nguyện của Xuân Trường. Bên cạnh đó, bà cũng có một công ty bảo hiểm, bảo hiểm cho tất cả những người chơi thể thao.

Trong khi đó, Shark Phú cũng lấy ra vé vàng trị giá 200 triệu để đàm phán với IRC. Ông đặt câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về cơ sở vật chất, vốn đầu tư, cơ cấu cổ đông.

Đánh giá cao dự án, Shark Liên nâng giá trị của vé vàng lên 500 triệu. Bà cho biết có thể giúp startup kết nối với các chuyên gia đầu ngành ở Mỹ và Đức để đưa bác sĩ của trung tâm ra nước ngoài đào tạo hoặc đưa chuyên gia quốc tế về huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam.

Ngoài ra, bà có thể giúp IRC về mặt bằng ở TP.HCM, Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 25% cổ phần.

Tuy nhiên, Việt Hùng cho rằng tỷ lệ phần trăm đó quá cao so với startup. IRC muốn mở rộng ở TP.HCM nên cũng muốn chia sẻ cổ phần cho các chuyên gia, những người làm chuyên môn để có thể cùng đi đường dài. Do đó, anh đưa ra đề nghị chia sẻ 15% cổ phần với số tiền 7 tỷ.

Có thể bạn quan tâm

  • Startup phụ kiện điện thoại gọi vốn 4,5 tỷ cho 15% cổ phần tại Shark Tank Việt Nam

    Startup phụ kiện điện thoại gọi vốn 4,5 tỷ cho 15% cổ phần tại Shark Tank Việt Nam

    05:16, 05/07/2022

  • Startup Sữa hạt D2 đến Shark Tank muốn kêu gọi 3 tỷ đồng từ các “cá mập”

    Startup Sữa hạt D2 đến Shark Tank muốn kêu gọi 3 tỷ đồng từ các “cá mập”

    04:28, 28/06/2022

  • Startup Nerman gọi vốn 500.000 USD đổi lấy 8% cổ phần tại Shark Tank

    Startup Nerman gọi vốn 500.000 USD đổi lấy 8% cổ phần tại Shark Tank

    04:33, 21/06/2022

QUÂN HOÀNG