Cơ hội khởi nghiệp công nghệ tài chính
Các startup công nghệ tài chính vẫn còn khá nhiều cơ hội để tiếp cận đối tượng khách hàng là MSMEs.
>>Vietcombank và Zion ra mắt dịch vụ nạp, rút ví điện tử Zalopay
Theo thống kê, 75% doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) huy động vốn từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp mà không thể tiếp cận được nguồn tài chính chính thống hay các dịch vụ tài chính. Đây là thị trường lớn cho các startup công nghệ tài chính (fintech) nói chung và tài chính toàn diện cho MSMEs nói riêng.
Khoảng trống phục vụ MSMEs
Các ngân hàng đang có xu hướng đầu tư vào fintech để thu hút thêm khách hàng. Bằng các hình thức quan hệ đối tác với các nền tảng kỹ thuật số, các ngân hàng đang muốn gia tăng dịch vụ để khai thác thêm khách hàng SME và MSMEs trên qui mô lớn.
Tuy nhiên, MSMEs đang gặp khó khi tiếp cận với dịch vụ tài chính. Bà Đào Thị Hương - Phó Trưởng Bộ môn Tài chính, Khoa Kinh tế & Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi, Cố vấn dự án khởi nghiệp cho rằng: “Nhiều MSMEs hoạt động ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi này khả năng kết nối các ngân hàng và dịch vụ đi kèm hạn chế. MSMEs còn bị vướng bởi rào cản văn hóa, thói quen tiêu dùng tiền mặt. Họ không có cơ hội đầu tư sinh lời nên càng không có nhu cầu vay vốn. Thiếu tài sản thế chấp bắt buộc chính là rào cản lớn khi họ tiếp cận với dịch vụ tài chính toàn diện. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các tổ chức tài chính cần hoàn thiện chính sách hơn với các tổ chức MSMEs”.
Ngoài ra, chi phí liên quan từ các khoản vay cho MSME tại các ngân hàng và lãi suất tương đối cao với các khoản vay tiêu chuẩn để đầu tư. Các MSMEs đang còn một khoảng trống nhỏ bỏ ngỏ từ việc cung, đây cũng là một phân khúc cực kỳ tiềm năng đối với các startup công nghệ.
>>Bamboo Airways ký thoả thuận hợp tác với ZaloPay
>>Mở tài khoản Sacombank dễ dàng ngay trên ví Zalopay
Giải pháp cho startup fintech
Xét riêng ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, những công nghệ đang được các công ty fintech cung ứng như: AI, Big Data, Omni Channel (giải pháp bán hàng đa kênh), eKYC (giải pháp định danh ngân hàng điện tử),...
Sự cạnh tranh giữa các ứng dụng ngân hàng ngày càng cao. Năm 2014, Việt Nam có 44 startup trong lĩnh vực fintech, 2020 là 115 startup đại diện cho 5 lĩnh vực hàng đầu là thanh toán, P2P lending, block chain, quản lý tài sản, POS, Wealth Management.
Bà Đào Thị Hương đã chỉ ra 04 giải pháp cho startup lĩnh vực tài chính quan tâm, hướng đến dịch vụ tài chính toàn diện.
Thứ nhất, cung cấp dữ liệu gói cho vay theo mối quan hệ dựa trên thông tin “mềm” như lịch sử thanh toán và tương tác trên mạng xã hội. Để làm được điều này đòi hỏi phải có khả năng truy cập vào mạng dữ liệu khá lớn.
Thứ hai đó là cung cấp giải pháp chấm điểm tín dụng thay thế. Ngân hàng thẩm định hoặc là giám sát các khoản vay theo cách truyền thống sẽ phát sinh theo chi phí và đặt ra rào cản cao hơn còn bây giờ có thể dùng phương pháp chấm điểm cho phép đánh giá tương đối toàn diện về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Thứ ba, phát triển các công cụ tài chính thay thế như khoản vay có tài sản đảm bảo, công cụ chứng khoán hóa, trái phiếu chuyển đổi, công cụ tài chính theo tầng, quỹ đầu tư mạo hiểm…
Thứ tư, tăng cường sự tham gia của các tổ chức phi tín dụng và thị trường vốn.
“Doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) tại Việt Nam là phân khúc sôi động đang bỏ ngỏ và sẵn sàng tăng trưởng trong thời gian tới. Các startup nếu biết tận dụng có thể gia nhập mảng tài chính toàn diện và phục vụ các doanh nghiệp siêu nhỏ bằng các sản phẩm dịch vụ cá nhân hóa, công nghệ số…” – Bà Đào Thị Hương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm