Thu 200 triệu đồng/năm từ trồng rau thủy canh

Theo nongnghiep 13/10/2022 04:27

Sau 5 năm trồng rau thủy canh, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) đạt lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/năm.

>>Kỹ sư trẻ khởi nghiệp với nghề trồng rau thủy canh

Trang trại rau thủy canh của ông Hồng đầu tư quy mô, bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Ảnh: Diệu Vy.

Trang trại rau thủy canh của ông Hồng đầu tư quy mô, bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Ảnh: Diệu Vy.

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Với hệ thống giàn thủy canh cách mặt đất khoảng 80cm, ưu điểm của phương pháp này là hạn chế tối đa các mầm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng. Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Nắm bắt kỹ thuật thuỷ canh mang lại hiệu quả cao, năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và chinh quyền địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất với chi phí ban đầu lên tới 3,1 tỷ đồng cho 2,5ha rau thủy canh trong nhà lưới.

Ông Hồng đã chủ động nghiên cứu, đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào canh tác phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường. Theo ông Hồng, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân bón vào nước để rau hấp thụ.

Ông thường sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong nước. Nước dinh dưỡng được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động với 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút. Phương pháp này có thể giảm được 90% lượng nước tưới, 60% nhân công, và hiệu quả đạt được lại cao gấp 2 - 3 lần rau trồng bình thường.

Thời gian cho thu hoạch rau có lá (rau muống, rau cải) bình quân khoảng 23 - 25 ngày, rau xà lách 30 - 35 ngày (mùa hè đạt trọng lượng 0,4 kg/cây; mùa đông đạt 0,8 - 1 kg/cây); mỗi năm thu 12 - 15 lứa rau các loại.

Qua 5 năm làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, bà Trần Thị Nhâm nhận định: “Mô hình sản xuất này hiện đại. Nông dân làm việc nhàn và sạch sẽ. Rau đảm bảo sạch, chất lượng cao hơn nhiều so với trồng rau truyền thống”. Ảnh: Diệu Vy.

Qua 5 năm làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, bà Trần Thị Nhâm nhận định: “Mô hình sản xuất này hiện đại. Nông dân làm việc nhàn và sạch sẽ. Rau đảm bảo sạch, chất lượng cao hơn nhiều so với trồng rau truyền thống”. Ảnh: Diệu Vy.

“Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại so với trồng rau truyền thống. Năm 2018, trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP”, Giám đốc Hợp tác xã Đức Phát chia sẻ thêm.

Để đảm bảo môi trường cho rau phát triển tốt, ông Hồng sử dụng bẫy dính nhằm phát hiện và tiêu diệt sớm một số loài sinh vật gây hại trong nhà màng, không cần sử dụng hóa chất.

Mỗi năm, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát thu hoạch được hơn 7 tấn rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, dưa leo, dưa thơm, cà chua...; lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng. Sản phẩm được bán lẻ cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và trường học trên địa bàn Thủ đô.

Ông Hồng luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hợp tác xã, tổ hợp tác hay các cá nhân có nhu cầu muốn khởi nghiệp; sẵn sàng trở thành cầu nối hướng dẫn kỹ thuật để cùng phát triển, nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh hiệu quả.

“Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sản xuất thêm dưa lưới trong nhà màng. Trung bình diện tích 1.000m2 trồng được 2.200 cây, thu khoảng 2,4 tấn dưa lưới, lợi nhuận 70 triệu đồng/vụ”, ông Hồng chia sẻ.

Đề cập đến những khó khăn khi triển khai mô hình trồng rau thuỷ canh, ông Nguyễn Mạnh Hồng lưu ý: Công nghệ, đất đai và vốn là 3 yếu tố then chốt để có thể biến giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao thành hiện thực. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các hợp tác xã đều đang gặp vướng mắc liên quan tới một trong ba yếu tố này.

Có thể bạn quan tâm

  • Trồng rau thủy canh theo kiểu Malaysia, 8X kiếm 20 triệu mỗi tháng

    Trồng rau thủy canh theo kiểu Malaysia, 8X kiếm 20 triệu mỗi tháng

    05:19, 09/11/2021

  • Khởi nghiệp nông nghiệp: Trồng rau thủy canh thu 100 triệu đồng mỗi tháng

    Khởi nghiệp nông nghiệp: Trồng rau thủy canh thu 100 triệu đồng mỗi tháng

    05:19, 14/04/2020

  • Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh

    Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh

    04:27, 10/03/2020

Theo nongnghiep