Với kinh nghiệm học hỏi khi sang Malaysia, anh Hồ Như Liệu (sinh năm 1984, TP Đà Nẵng) quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh, thu về 20 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Liệu quê ở Quảng Trị, hiện trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên, anh Liệu quyết định đi xuất khẩu lao động Malaysia, làm nông nghiệp để kiếm ít vốn về mở xưởng. Công việc của anh Liệu ở Malaysia là trồng rau bằng phương pháp thủy canh.
"Nơi tôi làm việc là khu thực tập của một trường đại học nông nghiệp trồng hàng nghìn loại rau. Chúng tôi được các kỹ sư ở đây truyền đạt những kỹ thuật trồng rau thủy canh rất tỉ mỉ, cặn kẽ", anh Liệu kể.
Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động, anh Liệu trở về nước và chọn Đà Nẵng lập nghiệp. Thời gian đầu về nước, anh Liệu cũng làm ở xưởng gang thép. Sau đó, có một công ty thực phẩm ở huyện Hòa Vang mời anh về làm.
Năm 2020, anh Liệu quyết định nghỉ ở công ty thực phẩm để ra làm riêng. Với kinh nghiệm sẵn có trong thời gian đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, anh Liệu quyết định khởi nghiệp mới mô hình trồng rau thủy canh.
Anh được Hội nông dân phường Hòa Phát cho mượn 500m2 đất để trồng rau. "Ban đầu Hội nông dân phường cũng chưa tin tưởng, không biết tôi có làm được hay không nên chỉ cho mượn 500m2. Họ nói nếu thành công sẽ cho mượn thêm", anh Liệu cho biết.
Có đất, anh Liệu đầu tư 500 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà kính, nhà màng, hệ thống lọc nước, ống dẫn, khung sắt, mua giống… bắt đầu trồng rau thủy canh. Các loại rau trồng vườn anh Liệu chủ yếu là rau xà lách, rau cải Hà Lan.
Sau khi thấy mô hình trồng rau thủy của anh Liệu hiệu quả, Hội nông dân phường Hòa Phát tiếp tục cho anh mượn thêm đất. Hiện vườn rau thủy canh của anh Liệu đã được mở rộng lên 1.700 m2.
Theo anh Liệu, do có kinh nghiệm nên anh không gặp khó khăn về vấn đề kỹ thuật. Rau được trồng trong nhà màng nên không lo chuyện thời tiết. Tuy nhiên, anh Liệu nhận định, nghề nông cần sự cần cù, chịu khó.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau, anh Liệu cho hay, trước hết, phải chọn được hạt giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao. Khâu pha chất dinh dưỡng rất quan trọng, không được nhiều quá mà cũng không được ít quá. Anh cũng thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng của rau và ghi chép cẩn thận bằng sổ sách.
"Phương pháp trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội so với trồng thổ canh, thân thiện với môi trường và cả người sản xuất. Đặc biệt, với phương pháp này, rau cách ly được với mặt đất nên ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt", anh Liệu nói.
Cứ khoảng 28 ngày là anh Liệu thu hoạch một lứa rau. Rau của vườn anh Liệu được bỏ cho các siêu thị mini trên địa bàn thành phố. Hàng ngày, tầm 16h30, anh Liệu sẽ chốt đơn hàng để hái rau và đóng gói. Đầu buổi sáng, rau sẽ được nhân viên chở đi bỏ mối cho các siêu thị.
Đợt dịch vừa qua, nhiều mặt hàng kinh doanh không thể buôn bán được nhưng vườn rau của anh Liệu không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có thời điểm, vườn rau của anh không đủ cung cấp cho thị trường.
Mỗi ngày, anh Liệu thu hoạch khoảng 75 kg rau, bán với giá, giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài bán rau thành phẩm, anh Liệu còn bán giống ươm, khách hàng thường là các hộ gia đình mua về trồng ở các sân thượng. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, vườn rau của anh Liệu thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Hiện vườn rau của anh Liệu đang tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người.
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/trong-rau-thuy-canh-theo-kieu-malaysia-8x-kiem-20-trieu-moi-thang-20211105172419760.htm
Có thể bạn quan tâm