Việt Nam điểm đến hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các công ty khởi nghiệp.
>>Startup Việt Nam chào bán mô tô bay với giá từ 2 tỷ cho 4 mẫu xe
Kể từ năm 2017, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp và có khả năng cạnh tranh với Indonesia và Singapore. Năm 2018 Việt Nam được xem là năm có bước tăng trưởng vượt bậc khi có đến 450 triệu USD đổ vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Năm 2019 tiếp tục tăng đến hơn 870 triệu USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hệ sinh thái khởi nghiệp có bước chững lại với tổng số tiền đầu tư chỉ 421 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2021, hoạt động đầu tư lĩnh vực này tăng trưởng mạnh trở lại với kỷ lục của đầu tư mạo hiểm lên tới 1,4 tỷ USD.
Tại lễ khởi động Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng vượt bậc trong khu vực.
Sự tăng trưởng này được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường và số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động. Các ngành hàng như thương mại điện tử (E-commerce), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ y tế (Medtech), công nghệ giáo dục (Edtech), truyền thông trực tuyến (Online media) và các giải pháp số cho doanh nghiệp đã tạo bứt phá trong thu hút đầu tư.
>>Opera “bắt tay” startup Việt ra mắt trình duyệt cho Web3
Theo trích dẫn một báo cáo được công bố vào tháng 7 năm 2022 của KPMG International Ltd và HSBC Holdings Plc đã nêu rõ rằng số lượng công ty khởi nghiệp ở nước này tăng gần gấp đôi từ đầu đại dịch COVID-19 đến giữa năm 2022. Một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC và Alibaba Group Holding Ltd., đang ủng hộ những công ty đưa ra các giải pháp đầy hứa hẹn.
Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 biến TP HCM trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn công nghệ và đang nỗ lực phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, dự kiến sẽ chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội của thành phố phía Nam.
Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền thành phố ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, đồng thời đưa ra các ưu đãi khác để thu hút nhân tài toàn cầu và các công ty quốc tế thành lập các trung tâm nghiên cứu đổi mới.
Theo các chuyên gia đánh giá TP HCM có những yếu tố tạo nên một "Thung lũng Silicon" tiếp theo. Đó là một hệ thống giáo dục thiên về khoa học và toán. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp gia công phần mềm đã phát triển hàng thập kỷ và tạo ra được rất nhiều kỹ sư tài năng mà họ lại không yêu cầu mức thù lao quá cao cũng như những lợi ích từ việc kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á.
Có thể bạn quan tâm