“Sạch từ tâm” và câu chuyện khởi nghiệp của Mẹ Mít
Từ một quản lý khách sạn với mức thu nhập ổn định, chị Thái Thị Nhị (Mẹ Mít) đã rẽ lối sang con đường khởi nghiệp từ sản phẩm dinh dưỡng với phương châm “sạch từ tâm”.
>>Techfest Việt Nam - Hàn Quốc: Chung tay thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bỏ việc ổn định để khởi nghiệp
Sinh ra trong một gia đình nông dân, chị Thái Thị Nhị (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) hiểu rõ nỗi vất vả của người lao động. Giai điệu “nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa” luôn bủa vây người dân, khó khăn vồ lấy khiến người phụ nữ này luôn nghĩ đến việc phải đổi đời.
Nghĩ đến đó, chị Nhị đã bắt đầu với ngành du lịch từ năm 2008 tại TP Hội An – vùng trũng của du lịch Quảng Nam. Sau 10 năm phấn đấu, từ Lễ tân đến nhân viên Sales rồi Quản lý khách sạn 3 sao, chị Nhị đã có cho mình một chỗ đứng vững vàng, có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 ập đến, công việc bị ảnh hưởng đã tác động đến tâm thức của người phụ nữ này. Với “nghề tay trái” bán ngũ cốc nhà làm hơn 8 năm, chị Thái Thị Nhị đã quyết định rẽ lối sang khởi nghiệp với ngũ cốc dinh dưỡng.
“Khi nói đến chuyện bỏ bỏ du lịch để rẽ sang khởi nghiệp, bản thân tôi vấp phải nhiều sự phản đối từ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, khởi nghiệp mà, phải mạnh dạn thì mới có thể gặt được thành công, nhờ đó mà thương hiệu Mẹ Mít với đứng vững được như hôm nay”, chị Nhị chia sẻ.
Nói về cơ duyên với khởi nghiệp, chị Thái Thị Nhị cho hay bắt công việc kinh doanh bắt đầu từ năm 2015, khi mẹ chị còn trồng các loạt đậu, vừng để bán cho các tiểu thương. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, đa phần tòa huề vốn và lỗ nên gia đình đã chuyển hướng sang làm ngũ cốc để bán.
Và “nhiệm vụ” của chị Nhị là tìm “thị trường”, thông qua các kênh từ mạng xã hội, người thân,... nên số lượng sản phẩm khi ra lò đều được bán sạch. Từ đó, chị Nhị có được tệp khách hàng quen thuộc, đầu ra luôn được đảm bảo.
“Việc trăn trở nhất vẫn là chất lượng của sản phẩm, vì vậy mình đã chọn nguồn nguyên liệu ngay từ quê nhà là các loại đậu, vừng. Ngoài ra, mình cũng liên hệ đến các vùng lân cận như Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành,... để thu mua thêm và bao tiêu luôn cho ngươi dân. Như vậy mình vừa có nguồn nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc và còn được hỗ trợ bà con nông dân trong việc tiêu thụ”, chị Nhị nói.
Ngoài ra, người phụ nữ này cũng bắt đầu một dự án cho riêng mình, là “Nâng cao giá trị nông sản thông qua chuỗi liên kết bền vững”. Tại đây, dự án đã hình thành đủ giai đoạn từ khâu kết nối bà con nông dân – bao tiêu sản phẩm – chế biến sâu – phụ phẩm sau chế biến – thức ăn gia cầm – liên kết các trang trại sử dụng phân nén hữu cơ.
Khởi nghiệp từ kinh nghiệm bản thân
Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Thái Thị Nhị cho hay sản phẩm được tạo nên từ chính kinh nghiệm của bản thân sau khi sinh con. Lúc đó cơ thể chị thiếu dưỡng chất nên không đủ cung cấp sữa cho bé, nhờ vào ngũ cốc dinh dưỡng mà lượng sữa được bổ sung.
Từ đó, chị Nhị đã chia sẻ công dụng của ngũ cốc với “cộng đồng mẹ bỉm” và được mọi người đón nhận tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm nguyên liệu và sơ chế, vì vậy chị Nhị đã lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh với sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng để cung ứng cho thị trường.
Thương hiệu “Mẹ Mít” cũng xuất phát vào cuối năm 2019, bắt đầu với tên gọi thân quen của các khách hàng. Với khởi nghiệp, giai đoạn đầu luôn bị những khó khăn, thách thức dồn ép, tuy nhiên người phụ nữ này vẫn kiên định để có được như ngày hôm nay.
Từ mức kinh phí ban đầu chỉ 50 triệu đồng, chị Nhị chợt nhận ra số tiền này không đủ vào đâu với việc sản xuất. Vì vậy, người phụ nữ này đã tiếp cận nhiều vốn vay khác nhau để có nguồn vốn.
Với 250 triệu vay được, chị Nhị từng bước hình thành nhà xưởng, mua sắm thiết bị và đăng ký thương hiệu. Đến nay, cơ sở sản xuất Ngũ cốc Mẹ Mít đã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho việc mua sắm thiết bị, nguyên liệu, đầu tư cơ sở,...
Mẹ Mít chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu, áp lực từ kinh phí luôn đè nặng trong tâm trí tôi bởi chi phí đầu tư là rất lớn và mình còn phải lo cho gia đình. Vì vậy, mình đã lên phương án là sắm thiết bị theo từng bước, phát triển đến đâu thì sẽ sắm sửa đến đấy. Chưa kể đến là sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp về mặt giá thành, tuy nhiên mình vẫn kiên định và lựa chọn tệp khách hàng riêng là những người quan tâm đến sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe”.
Cho đến hiện tại, cơ sở sản xuất Ngũ cốc Mẹ Mít đã có 7 nhân công lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/ tháng. Mỗi tháng, đơn vị cho ra thị trường hơn 1 tấn ngũ cốc tương đương với 2000 hộp thành phẩm mang lại doanh thu ổn định.
Hiện nay, hệ thống sản phẩm của cơ sở gồm ngũ cốc hạt sen mè đen, bột gạo lứt mè đen, các loạt hạt dinh dưỡng như đậu đen, bí xanh, hạnh nhân, granola,... dần được ưa chuông tiêu thụ tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM,.... Để tiếp cận thị trường, chị Nhị đã thành lập hệ sinh thái từ website đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và kết nối đại lại, nhân viên sales.
“Với phương châm “sạch từ tâm – nâng tầm sức khỏe”, sản phẩm Ngũ cốc Mẹ Mít đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mẹ bỉm, người cao tuổi, có bệnh nền,... Từ những sự phản hồi tích cực của khách hàng về sản phẩm, tôi có thêm động lực để tiếp tục trên con đường khởi nghiệp của mình”, Mẹ Mít bộc bạch.
Sau những sự kiện, hội chợ,... chị Thái Thị Nhị nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của các chứng nhận để sản phẩm đứng vững hơn trên thị trường. Vì vậy, chị Nhị đã mang sản phẩm của mình đi kiểm định chất lượng, dự thi chương trình OCOP,...
Cuối năm 2022, dòng Ngũ cốc hạt sen mè đen của cơ sở đã được UBND tỉnh Quảng Nam chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cùng với đó là Giải Ba chường trình khởi nghiệp cấp tỉnh, Giải Nhất cuộc thi Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế,...
Đặc biệt, dự án khởi nghiệp Ngũ cốc Mẹ Mít cũng đã vượt 400 sản phẩm để lọt Top 10 dự án xuất xắc Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2022.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, chị Nhị cho hay bản thân đang mong muốn sẽ mở rộng quy mô sản xuất tại TP Hội An thông qua việc thuê đất tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Tiếp tục mở rộng thị trường trong nước cũng như tìm kiếm cơ hội suất khẩu quốc tế.
Vì vậy, dự án Mẹ Mít vẫn cần nhận được nhiều sự quan tâm, kết nối từ địa phương để tìm kiếm đối tác đầu tư, phân phối sản phẩm thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại. Cơ sở cũng cần được hỗ trợ về dòng vốn để mở rộng quy mô, tạo điều kiện về cơ chế để có thể được thuê đất tại Cụm công nghiệp, tiếp tục phát triển thương hiệu.
“Với ý tưởng khởi nghiệp, những người có niềm đam mê hãy mạnh dạng triển khai và kiên định với ý tưởng của mình. Đừng khụy gối trước những khó khăn, thách thức của thị trường và hãy vượt qua nó, xem đó là động lực để phát triển. Trong giai đoạn hình thành ý tưởng, các chủ thể khởi nghiệp nên xác định rõ sản phẩm mà mình lựa chọn để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, lựa chọn đúng và kiên định sẽ là yếu tố giúp dự án khởi nghiệp trở nên thành công”, chị Thái Thị Nhị chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cần “sân chơi” riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
03:30, 16/04/2023
Công ty khởi nghiệp Reactional Music nhận đầu từ từ Amanotes của Việt Nam
01:56, 16/04/2023
Vướng mắc chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
11:07, 14/04/2023
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học
02:13, 14/04/2023