Tạo cơ chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ DNNVV đã từng bước góp phần tạo nền tảng năng lực và tri thức,... để tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp trẻ đầy năng động ở Việt Nam.
>>KHỞI NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG: Chung tay hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp vùng
Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng" do Tạp chí DĐDN phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nam Định, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC - Bộ KH&CN), Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức mới đây dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ KH&CN và UBND tỉnh Nam Định.
“Bệ đỡ” ươm mầm
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó VCCI, VCCI tự hào với gần ba thập kỷ gắn bó với sứ mệnh khởi nghiệp bằng việc thực hiện Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa qua đó đã từng bước góp phần tạo nền tảng năng lực và tri thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tăng cường khả năng ươm mầm để tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp trẻ đầy năng động ở Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp thì các chương trình và hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp mà VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng về chính sách, cơ chế và hệ sinh thái để cộng đồng khởi nghiệp trải nghiệm thực tiễn khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.
>>11 và 12/5: Có gì ở TECHFEST vùng đồng bằng sông Hồng 2023?
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở. Tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.
“Đồng thời, nhiều cơ hội mới được mở ra, kéo các nguồn lực lại gần nhau hơn, và qua đó, xây dựng hệ sinh thái ngày càng phát triển hơn, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chúng ta cất cánh và vươn xa”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Trong khi đó, bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley nhấn mạnh tới vấn đề ươm mầm đổi mới sáng tạo. Theo đó, hoạt động ươm tạo phải đi cùng đầu tư, cần phải biết cách ươm tạo và ươm tạo theo mô hình của Thung lũng Silicon.
Bên cạnh yêu cầu về yếu tố con người, bà Thạch Lê Anh cho rằng cần làm thế nào để xây được mô hình kinh doanh đáp ứng được 3 yếu tố, thứ nhất là có khả năng có lãi, thứ hai là lặp đi lặp lại và có khả năng tăng trưởng. Các mô hình đáp ứng được 3 yếu tố trên đều có thể thu hút được đầu tư.
>>KHỞI NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG: Thúc đẩy, ươm mầm cộng đồng khởi nghiệp năng động
Chính sách thí điểm cơ chế đặc thù vùng
Để hiện thực việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh các yêu cầu, thứ nhất, ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần có những sáng kiến, cơ chế chính sách để phát triển nguồn lực tại chỗ, thu hút được nhân lực chất lượng cao không chỉ ở các địa phương, vùng kinh tế khác, mà còn từ mạng lưới chuyên gia trên khắp thế giới về đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động, định hướng phối hợp, hợp tác giữa các địa phương, liên kết vùng và Trung Ương. Đồng thời huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm ĐMST mở tạo thành trung tâm vùng.
Thứ ba, có những cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng, ví dụ không gian mở để mô hình, sản phẩm, dịch vụ mới có thể được thử nghiệm hay ưu đãi mạnh hơn về thuế, đất đai, ưu tiên trong cung ứng dịch vụ công...
Từ góc độ địa phương, ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định nhấn mạnh tới yêu cầu liên kết, liên minh giữa các tỉnh, các vùng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của từng địa phương, từng vùng, để tận dụng lợi thế, điều kiện phát triển khác nhau của mỗi tĩnh, cũng như khắc phục được những hạn chế của các địa phương.
Có thể bạn quan tâm