Bến Tre là địa phương khởi nghiệp

THÙY LINH 16/07/2023 10:39

Bến Tre đã và đang nỗ lực xây dựng Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”, chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực ĐBSCL.

 Khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2022

Khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2022

Xây dựng “Địa phương khởi nghiệp”

Bà Trần Thị Xuân Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố. Chương trình đã tạo nền tảng về sự chuyển biến nhận thức, tạo được tiền đề cơ bản để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực; công tác truyền thông tạo được hiệu ứng sâu rộng, đã thu hút được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đồng hành cùng hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực được tổ chức có hiệu quả; hoạt động tư vấn, hỗ trợ được triển khai rộng khắp; công tác hỗ trợ, kết nối nguồn vốn cho khởi nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện khá tốt, đảm bảo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được chú trọng tổ chức gắn với hoạt động tại Không gian đổi mới sáng tạo Mekong, bà Xuân Duyên chia sẻ.

Từ năm 2021 đến nay có 1.474 doanh nghiệp thành lập mới đạt với tổng vốn đăng ký hơn 19.228 tỷ đồng, 252 doanh nghiệp khởi nghiệp đạt 42% chỉ tiêu Nghị quyết.

Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đã thực sự thúc đẩy cải cách, góp phần thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 331 dự án đầu tư (có 64 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.628,9 triệu USD và 267 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 61.792,64 tỷ đồng). Nhiều dự án được triển khai đã tạo động lực, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội để khởi nghiệp, trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm ở địa phương…

Bến Tre đã đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 phát triển mới 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 600 doanh nghiệp khởi nghiệp; phát triển 100 doanh nghiệp dẫn đầu. Tỉnh cũng đặt mục tiêu thu hút 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và khoảng 2 tỷ USD vốn FDI.

Đồng thời hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến cho 1.000 doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Hình thành được các cụm liên kết ngành chủ yếu như chế biến nông - thủy sản, logistics, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Xuân Duyên, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, Bến Tre đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR INDEX. Các thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu-cụm công nghiệp, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đổi mới công nghệ, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, các văn bản pháp luật của trung ương và của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp… đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre, của các sở, ngành và địa phương, sàn thương mại điện tử của tỉnh… để các doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu và thực hiện.

Đặc biệt, việc ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm mục đích thúc đẩy, tạo điều kiện về chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích, đúng đối tượng để doanh nghiệp được thụ hưởng và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp... để các doanh nghiệp nâng tầm quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư; xây dựng danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...

Tỉnh tập trung phát triển về số lượng doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sớm triển khai đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, nhất là các dự án điện gió. Tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược khảo sát và triển khai các dự án đầu tư đã ký MOU với tỉnh…

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty khởi nghiệp Tepbac Việt phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản vươn tầm thế giới

    Công ty khởi nghiệp Tepbac Việt phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản vươn tầm thế giới

    01:29, 05/07/2023

  • Nam Định: Tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Nam Định: Tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    02:10, 30/06/2023

  • Quảng Nam làm gì để xứng tầm là vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo?

    Quảng Nam làm gì để xứng tầm là vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo?

    00:33, 29/06/2023

THÙY LINH