TECHFEST Australia: Kết nối để vươn xa
Chiều ngày 20/9/2023 tại Đại học Monash, thành phố Melbourne, Australia đã diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (TECHFEST) quốc tế năm 2023.
>>Phát động Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Vietnam 2023
Đây là lần đầu tiên TECHFEST quốc tế được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tại Australia, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Australia, đánh dấu bước tiến mới của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.
Cơ hội kết nối và phát triển
Tại sự kiện này, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã dành được kết quả cao tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp trong khuôn khổ TECHFEST quốc gia (như Magic Edutech Group PTY LTD, Cyberkid, VSEC, Hana Gold, Treeotek…) đã có cơ hội thuyết trình (pitching) và trao đổi trực tiếp với các quỹ đầu tư mạo hiểm của Australia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị đang vận hành các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động, đồng thời đề xuất phối hợp triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giữa hai nước như: tạo điều kiện thử nghiệm các công nghệ mới, trao đổi phát triển thị trường cho doanh nghiệp giữa hai nước…
Phát biểu khai mạc tại TECHFEST Australia 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Bộ KH&CN tổ chức TECHFEST quốc tế tại Australia – quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp tiên tiến, năng động của thế giới trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước nhằm thúc đẩy sự hợp tác ngày càng sâu, rộng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữa hai nước, hỗ trợ giới thiệu các doan nghiệp Việt Nam tại Úc tới thị trường của nhau. đặc biệt là chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (Aus4Innovation) của Chính phủ Australia đã tác động ảnh hưởng đến chính sách hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ cho trực tiếp các doanh nghiệp sáng tạo giải quyết những thách thức trong công nghệ đổi mới hướng đến phát triển bền vững”.
Thủ quỹ, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư và Bộ trưởng Quan hệ Công nghiệp Tim Pallas và Phó hiệu trưởng trường Đại học Monash, Giáo sư Susan Elliott AM nhấn mạnh tiềm năng rộng lớn của cơ hội hợp tác giữa hai nước trong phát triển nền kinh tế thông qua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giai đoạn mới của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam hiện có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên một tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 (WIPO), Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á và được đánh giá có năng lực ĐMST xếp hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển. Hệ sinh thái đứng 54 trên thế giới, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những minh chứng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động, có nhiều tiềm năng để hợp tác và phát triển.
Tại sự kiện TECHFEST Australia cũng đã diễn ra phiên toạ đàm chính sách “Cơ hội hợp tác trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam – Australia”. Các đại biểu tham dự từ phía Việt Nam và Úc đều thống nhất cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năng động, có tính “mở” cao (open innovation), đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nguồn lực quốc tế, trong đó lực lượng kiều bào Việt Nam là một thành tố vô cùng quan trọng. Phía Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng tham gia có trách nhiệm để đưa các giải pháp đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, phát triển bền vững tại các nước trên thế giới và khuyến khích các chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế phát triển thị trường và phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để giải quyết các bài toán tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ tại hội nghị Bộ trưởng đã đặt ra bài toán Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt các doanh nghiệp sáng tạo cần lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Đặc biệt, đề cao yêu cầu phát triển bền vững cần coi con người vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể và động lực chủ đạo của phát triển.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt mong muốn giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năng động, có tính “mở” cao (open innovation) nhằm thu hút sự quan tâm và các nguồn lực quốc tế, trong đó lực lượng kiều bào Việt Nam là một thành tố vô cùng quan trọng. Việt Nam sẵn sàng tham gia có trách nhiệm để đưa các giải pháp đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, phát triển bền vững tại các nước trên thế giới và khuyến khích các chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế phát triển thị trường và phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để giải quyết các bài toán tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm