Hải Dương: Khi nông dân là tỷ phú
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Hải Dương đã góp phần thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân, giúp họ nâng cao thu nhập.
>>>Hải Dương: 1.162 sản phẩm nông sản được lên trên sàn thương mại điện tử
>>>Doanh nghiệp Hải Dương: Hướng tới mục tiêu xanh hóa trong sản xuất
Miệng nói, tay làm...
Với suy nghĩ là người đứng đầu thì không thể chỉ nói suông, hô hào, vận động chung chung mà phải đi đôi với việc làm, hiệu quả, gần chục năm qua, ông Lê Đình Đoan - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái (Ninh Giang) luôn đi đầu trong các phong trào của hội. Ông đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của xã Hưng Long phát triển.
Hiện nay, xã Hưng Long là một trong những địa phương đi đầu của huyện Ninh Giang trong việc cấy lúa bằng máy. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Đoan.
Theo chia sẻ của ông Lê Đình Đoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Long, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái: Năm 2018, tôi cùng ông Trần Đắc Huyên, Phó Trưởng thôn Văn Diệm sang Hải Phòng học hỏi kinh nghiệm cấy lúa bằng máy và mạnh dạn mua chung 1 máy cấy để sản xuất tại địa phương. Vụ đông xuân năm đó, chúng tôi cấy máy 12 mẫu ruộng của 2 gia đình", ông Đoan kể.
Vụ đó, năng suất lúa của diện tích cấy máy tương đương như năng suất lúa cấy tay nhưng việc làm cỏ, bón phân, chăm sóc lúa thuận tiện hơn. Nhận thấy hiệu quả cấy máy mang lại, ông Đoan tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc cấy lúa bằng máy và cam đoan, nếu năng suất lúa cấy máy thấp hơn, ông sẽ đền bù cho phần năng suất bị hao hụt đó. Nhờ vậy, vụ mùa năm 2018, một số hộ trong xã đã mạnh dạn thuê máy cấy. Diện tích lúa cấy máy toàn xã tăng lên 60 mẫu.
Đến vụ đông xuân năm 2019, diện tích cấy máy tăng lên hơn 100 mẫu. Do diện tích lúa cấy máy của xã ngày càng được mở rộng nên năm 2021, ông Đoan và ông Huyên vận động một số hộ góp vốn thành lập Hợp tác xã Dịch vụ mạ khay cấy máy Thái Long. Ông Đoan được bầu làm Phó Giám đốc hợp tác xã.
Hiện nay, hợp tác xã có tổng 10 máy cấy, 10.000 khay mạ và 1 máy gieo mạ tự động, có thể cấy 1.000 mẫu ruộng mỗi vụ. Không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất tại địa phương, Hợp tác xã Dịch vụ mạ khay cấy máy Thái Long liên kết với một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh và tỉnh Thái Bình để phục vụ các địa phương đó.
Trong suốt thời gian công tác, ông Đoan luôn đi đầu ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. "Có kỹ thuật mới, tôi đều áp dụng trong sản xuất của gia đình trước. Kết quả chính là lời tuyên truyền thuyết phục nhất để hội viên nông dân làm theo", ông Đoan nói.
Những năm trước, việc cấy lúa bằng mạ dược vừa tốn công sức nhưng năng suất lúa lại không cao. Qua tìm hiểu và tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân các cấp tổ chức, ông Đoan biết cấy lúa bằng mạ gieo trên sân mang lại nhiều lợi ích như không mất công nhổ mạ, không ảnh hưởng đến chất lượng mạ giống. Năm 2011, ông Đoan quyết định gieo mạ trên sân để cấy một phần diện tích của gia đình. Sau khi thu hoạch, lúa cấy bằng mạ gieo trên sân cho năng suất cao hơn 15-20 kg/sào so với cấy mạ dược.
Vụ sau đó, ông Đoan cấy bằng mạ gieo trên sân toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình. Từ kết quả của gia đình, ông vận động nhân dân trong xã chuyển đổi theo. Từ 20% số hộ thực hiện năm 2013, đến năm 2014, 100% số hộ nông dân trong xã chuyển sang cấy mạ gieo trên sân. Năm 2014, năng suất lúa bình quân của xã Hưng Long đạt 125 tạ/ha, tăng 10% so với năm 2013; chi phí sản xuất, đầu tư thóc giống và ngày công lao động giảm.
Được biết, năm 1987, khi còn đang học trung cấp nông nghiệp, ông Đoan đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng trong năm đó, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại địa phương. Mấy chục năm qua, ông luôn thể hiện rõ vai trò tiền phong của một người đảng viên.
Theo ông Đỗ Bá Uấn - Chủ tịch HĐND xã Hưng Long cho biết: Ông Đoan luôn là một tỷ phú nông dân, ngoài việc làm giỏi kinh tế ông còn là cán bộ hội gương mẫu, có những đóng góp tích cực cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, từ việc mạnh dạn áp dụng cấy mạ gieo trên sân những năm trước, đến nay là đưa máy cấy vào đồng ruộng. Nhờ cấy máy, chi phí sản xuất của người dân giảm đi nhiều, góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang. Mấy năm gần đây, trong xã không còn ruộng bỏ hoang. Ông Đoan cũng nhận cấy 20 mẫu ruộng của những người dân không có nhu cầu sản xuất",
Một huyện có 666 hộ thu nhập tiền tỷ
Theo Hội Nông dân huyện Kim Thành, năm 2023 huyện có 16.556 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, chiếm 63,9% tổng số hộ nông dân. Qua bình xét, có 11.570 hộ đạt danh hiệu này, gồm: 13 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương, 194 hộ cấp tỉnh, 2.095 hộ cấp huyện, còn lại cấp cơ sở.
Tính theo mức thu nhập, sau khi trừ chi phí có 666 hộ cho thu nhập năm 2023 từ 1 tỷ đồng/hộ trở lên; 1.520 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng...
Tiêu biểu như gia đình các hộ như: Phạm Văn Thăng (xã Tuấn Việt) sản xuất bàn ghế đá; Nguyễn Danh Phú (xã Cổ Dũng) sản xuất bao bì; Mai Văn Trọng (xã Ngũ Phúc) trồng và chế biến sen; Nguyễn Văn Dũng (xã Tam Kỳ) trồng dưa lưới trong nhà màng; Phạm Thị Thiềm (xã Bình Dân) trồng măng tây...
Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các hộ không chỉ làm giàu cho bản thân, còn đóng góp kinh phí xây dựng làng quê; hỗ trợ các hội viên khác. Trong năm qua, đã có 152 hộ hội viên thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm