Hà Tĩnh đề ra nhiều giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
Nhiều khoản chi phí quá sức doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là rào cản phát triển của doanh nghiệp.
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp chưa hài lòng
Trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật đã được các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các ngành, địa phương đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian và chi phí hành chính cho doanh nghiệp.
Năm 2017, Chỉ số PCI của Hà Tĩnh đạt 61,99 điểm, xếp thứ 33 toàn quốc, tăng 06 bậc so với năm 2016 và là năm thứ 2 liên tiếp tăng thứ hạng (năm 2016 cũng tăng 06 bậc, xếp thứ 39). Nếu so sánh về cải thiện chỉ số PCI gốc (2006) thì Hà Tĩnh thuộc tốp đầu, đứng thứ 2 cả nước. Những con số cho thấy chất lượng điều hành của chính quyền liên tục được cải thiện qua các năm và được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư ghi nhận.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Người dân "bò" dốc đại công trình thủy lợi để tìm đường ra ruộng
07:43, 04/12/2018
Hà Tĩnh: Hơn 1.200 thương hiệu được xác lập quyền sở hữu trí tuệ
06:00, 28/11/2018
Hà Tĩnh: Đường 4 làn “tắc” giữa chừng, người đi đường lao xuống ruộng
07:42, 19/11/2018
Hà Tĩnh: Trụ sở hoang phế trên đất vàng
16:00, 17/11/2018
Hà Tĩnh: Sân vận động hoang tàn, nhếch nhác sau nhiều năm ít sử dụng
11:00, 12/11/2018
Hà Tĩnh: Nơm nớp nhìn sông “ngoạm” hàng trăm mét đất
05:00, 07/11/2018
Cụm công nghiệp đầu tư “không đến đầu đến đuôi”: Dư luận không đồng tình với trả lời của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh
08:30, 25/10/2018
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập cần sớm “hóa giải” để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Qua số liệu Chỉ số PCI 2017 của Hà Tĩnh thì vẫn còn 04 Chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016 như chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí về thời gian; cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng thấp so với cả nước như Chỉ số Gia nhập thị trường (xếp thứ 46), Chi phí không chính thức (xếp thứ 46), Tiếp cận đất đai (xếp thứ 47), Chi phí thời gian (xếp thứ 57), Cạnh tranh bình đẳng (xếp thứ 63);
Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng và cho rằng phải mất nhiều chí phí trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp còn phổ biến; các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC đất đai cao nhất.
Nhiều giải pháp tích cực
Đề góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh cũng cần phải hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Đơn giản hóa, hiện đại hóa các TTHC tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” từ cấp tỉnh đến địa phương, tăng cường sự phối hợp liên thông nhằm giảm tối đa về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Các đơn vị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu các sở, ngành và địa phương các cấp phải giành thời gian tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử; trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp Sở, ngành, huyện theo mô hình dân chấm điểm, công khai kết quả và yêu cầu các Sở, ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức. Văn phòng UBND tỉnh cần kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp. Xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.
Các cơ quan, ban ngành cần có biện pháp, cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp nếu có. Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.